Ông Biden toan tính với Trung Quốc qua đề cử đại sứ tại LHQ?

Theo tờ South China Morning Post ngày 27-11, việc ông Joe Biden lựa chọn bà Linda Thomas-Greenfield làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) là tín hiệu mới nhất về cách tiếp cận của ông đối với Trung Quốc.

Bà Thomas-Greenfield - Trợ lý Ngoại trưởng thời ông Obama - có thể sẽ sử dụng LHQ như một diễn đàn để buộc chính quyền Bắc Kinh phải giải trình. Tuy nhiên, ông Biden cũng được cho là sẽ mở cửa và làm việc với Trung Quốc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu - một trong những ưu tiên chính ông đặt ra trong quá trình tranh cử.

Bà Linda Thomas-Greenfield. Ảnh: CNN

Ông Biden và bà Thomas-Greenfield đã phân biệt rõ ràng chủ trương hành động của mình với của chính quyền Tổng thống Donald Trump vốn đã bị chỉ trích vì mục tiêu "Nước Mỹ trên hết” và rút khỏi các thể chế và hiệp ước quốc tế.

Điều này có thể báo trước sự thay đổi quan điểm của Mỹ đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát tin rằng ông Biden vẫn sẽ gây áp lực trên các vấn đề về quyền con người, cũng như các vấn đề liên quan đến Tân Cương và Hong Kong.

"Nước Mỹ đã trở lại. Chủ nghĩa đa phương đã trở lại. Ngoại giao đã trở lại" - bà Thomas-Greenfield cho biết hôm 24-11.

Ngoại trưởng đương nhiệm Mike Pompeo đã chế giễu những tuyên bố của bà Thomas-Greenfield trong buổi trả lời phỏng vấn với hãng tin Breitbart hôm thứ 24-11.

"Chủ nghĩa đa phương giống như 'đi chơi' với bạn bè trong một bữa tiệc cocktail thú vị. Đây không phải là lợi ích tốt nhất dành cho nước Mỹ" - ông nói.
 
Các nhà phân tích cho biết việc ông Biden có kế hoạch trao nhiều quyền hơn cho đại sứ tại LHQ mới, điều mà đại sứ hiện tại là bà Kelly Craft không có - là một dấu hiệu cho thấy chính quyền ông Biden sẽ đẩy mạnh tham gia vào các tổ chức quốc tế.
 
Dưới thời ông Trump, Mỹ đã đối đầu với các nước khác về các vấn đề như trừng phạt Iran đến việc rời Tổ chức Y tế Thế giới, một động thái mà ông Biden đã cam kết sẽ đảo ngược.
 
"Việc chính quyền ông Trump từ chối chủ nghĩa đa phương đã tạo cơ hội cho các quốc gia khác như Trung Quốc vươn lên lãnh đạo tại LHQ" - bà Courtney Fung, một học giả tại Đại học Hong Kong cho biết.
 
"Gây dựng lại danh tiếng đã bị tổn hại của Mỹ, xây dựng lại mối quan hệ với các đối tác đa phương và sử dụng khôn ngoan nguồn vốn ngoại giao và tài chính là những nhiệm vụ khó khăn phía trước đối với nhóm LHQ của ông Biden. Xét cho cùng, chính trị đa phương vẫn tiếp diễn bất chấp việc ông Trump rút khỏi các thỏa thuận nhiều bên" - bà nói thêm.
 
Nói về vấn đề này , ông Li Mingjiang - học giả tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore cho biết căng thẳng Mỹ - Trung sẽ tiếp tục leo thang và nổ ra mạnh mẽ tại LHQ.
 
Ông Li nói thêm: "Washington sẽ tiếp tục gây áp lực lên toàn bộ các vấn đề về quyền con người như chính quyền ông Trump đã áp dụng tại LHQ, từ Tân Cương đến Hong Kong".
 
Trước đó, chính quyền ông Trump đã kêu gọi một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ vào tháng 5 để thảo luận về Hong Kong. Tuy nhiên, nỗ lực này đã bị Trung Quốc ngăn chặn.
 
Tuy nhiên, theo ông Li, bà Thomas-Greenfield có thể sẽ phải làm việc với Trung Quốc để đạt được các mục tiêu của ông Biden về chống biến đổi khí hậu.
 
"Nếu chính quyền ông Biden muốn đóng một vai trò lớn hơn, họ sẽ phải hợp tác với Trung Quốc ở một mức độ nào đó, nếu không mối quan hệ hợp tác đa phương sẽ đi vào bế tắc" - ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm