Trả lời phỏng vấn đài Rossiya 1 hôm 29-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay nước này đang theo dõi chặt chẽ các sự kiện tại Belarus, nơi đang diễn ra các cuộc biểu tình sau kỳ bầu cử. Ông Putin nói thêm trong khi làm như vậy, Nga hành động kiềm chế hơn nhiều so với phương Tây.
“Trước hết, chúng tôi tin rằng đây là vấn đề nội bộ của xã hội Belarus và người dân Belarus” – ông Putin nói với Rossiya 1, nhắc tới các cuộc biểu tình quy mô lớn đang diễn ra tại nước này sau cuộc bầu cử ngày 9-8.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: Vasily Fedosenko/REUTERS
“Liên quan tới các sự kiện ở Belarus, chúng tôi đang hành động kiềm chế hơn nhiều và không thiên vị so với nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Mỹ, kể cả Mỹ” – ông Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga nói thêm rằng Moscow sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình ở Belarus vì có lẽ đây là quốc gia gần gũi nhất với Nga về mặt dân tộc, văn hóa và tinh thần.
Sau khi biểu tình nổ ra, một số nhà lãnh đạo châu Âu yêu cầu Moscow không can thiệp vào Belarus trong bối cảnh truyền thông đồn đoán Nga sẽ đưa quân sang nước này. Cả Minsk và Điện Kremlin đã bác các đồn đoán này.
Mặc khác, không như Nga, Liên minh châu Âu (EU) từ chối công nhận kết quả cuộc bầu cử và tuần này đã thống nhất áp lệnh trừng phạt vào khoảng 20 quan chức Belarus mà họ coi là chịu trách nhiệm cho cuộc đàn áp sau bầu cử.
Ba Lan và Cộng hòa Czech đã đi một bước xa hơn và kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử mới.
Tương tự như vậy, Mỹ đã phát tín hiệu ủng hộ đại diện của phe đối lập Belarus – bà Svetlana Tikhanovskaya, người giành được 10,12% phiếu bầu trong cuộc bầu cử hôm 9-8.
Hôm 24-8, tại thủ đô Vilnius (Lithuania), bà Tikhanovskaya đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun để thảo luận về việc “củng cố nền dân chủ và nhân quyền tại Belarus”.
Nga và Belarus là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một tổ chức gồm sáu quốc gia thời Liên Xô cam kết cung cấp “hỗ trợ cần thiết, kể cả hỗ trợ quân sự” lẫn nhau “trong trường hợp xảy ra hành động gây hấn”.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin nói rõ rằng Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã yêu cầu ông triển khai một nhóm sĩ quan thực thi pháp luật túc trực thay vì quân đội nếu tình hình leo thanh thành bạo lực không thể kiềm chế.
Nhà lãnh đạo Nga xác nhận nhóm an ninh này đã được thành lập nhưng hy vọng cuộc khủng hoảng tại Belarus có thể được giải quyết trong hòa bình và những ai vi phạm luật pháp, dù là sĩ quan cảnh sát hay người biểu tình sẽ được đưa ra công lý.
“Chúng tôi nhất trí rằng nhóm này sẽ không được triển khai trừ phi tình hình ở Belarus vượt khỏi tầm kiểm soát” – ông Putin khẳng định.
Vạch ra các tình huống có thể kêu gọi sự trợ giúp của Nga, ông Putin nói rằng Moscow sẽ không can dự vào Belarus trừ phi các phần tử cực đoan hành động dưới vỏ bọc của các khẩu hiệu chính trị vượt qua các ranh giới đỏ nhất định như cướp bóc, đốt nhà cửa, ngân hàng và cố xông vào tòa nhà chính quyền.
Biểu tình nổ ra tại Belarus sau khi kết quả bầu cử tổng thống hôm 9-8 cho thấy đương kim Tổng thống Lukashenko, người đã nắm quyền 26 năm giành chiến thắng với hơn 80% phiếu bầu. Phe đối lập và phương Tây cáo buộc cuộc bầu cử bị gian lận.