Ông Trump sẽ trừng phạt Hong Kong gay gắt nếu thất cử?

Hôm 3-9, bà Elizabeth Rosenberg - chuyên gia nghiên cứu lệnh trừng phạt quốc tế - đã cảnh báo các tổ chức tài chính Hong Kong có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt đặc biệt gay gắt từ Mỹ nếu Tổng thống Donald Trump thất bại trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, theo tờ South China Morning Post.

Bà Rosenberg - hiện là giám đốc chương trình năng lượng, kinh tế và an ninh tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ - đã đưa ra nhận xét trên trong một hội thảo trực tuyến do ĐH Luật Hong Kong tổ chức.

Bà Rosenberg trước đây là cố vấn cấp cao tại Bộ Tài chính Mỹ, cũng là người đã góp phần phát triển và thực hiện các lệnh trừng phạt đối với các quốc gia như Iran, Libya và Syria.

Bà Elizabeth Rosenberg. Ảnh: CNAS

Danh sách trừng phạt "khó đoán" của ông Trump

Trước đó, Mỹ đã ban hành Đạo luật tự trị Hong Kong, có hiệu lực từ tháng 7, để đáp lại luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt lên Hong Kong. Theo đó, đạo luật này cho phép Washington trừng phạt các cá nhân và tổ chức tài chính mà họ tin rằng đã góp phần “làm xói mòn” quyền tự chủ của thành phố.

Từ lúc ban hành đạo luật tới trước ngày 12-10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phải trình danh sách các cá nhân bị trừng phạt lên Quốc hội. Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cũng phải đệ trình một danh sách các tổ chức tài chính không thuộc Mỹ đã cố ý thực hiện "các giao dịch quan trọng" với các cá nhân trên.

Bộ Tài chính Mỹ có từ 30 đến 60 ngày để công bố danh sách sau khi ông Pompeo đệ trình với Quốc hội. Tuy nhiên, ông Trump không bắt buộc phải áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người được liệt kê.

Bà Rosenberg cho biết "thật khó để biết danh sách sẽ như thế nào" do bản chất "vô cùng khó đoán" của chính quyền ông Trump.

Bà Rosenberg cho rằng danh sách trừng phạt có thể được mở rộng ngoài 11 quan chức Hong Kong và Trung Quốc đã bị trừng phạt vào tháng 8. Danh sách có thể bao gồm những người làm việc chặt chẽ hoặc có liên hệ tài chính với 11 quan chức trên, cũng như những người nắm giữ tài chính đại diện cho họ.

Theo sắc lệnh, các cá nhân hoặc tổ chức bị trừng phạt sẽ bị phong tỏa tài sản cá nhân tại Mỹ, đồng thời người Mỹ và các doanh nghiệp bị cấm giao dịch với họ.

Tình thế khó khăn cho các tổ chức tài chính Hong Kong

Ông Benjamin Kostrzewa - một luật sư chuyên về luật thương mại quốc tế cho biết mối nguy thực sự đến từ các lệnh trừng phạt đối với các tổ chức tài chính không liên kết với Mỹ.

Việc Mỹ ban hành các lệnh trừng phạt cũng như căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng khiến các ngân hàng và tổ chức tài chính ở Hong Kong, chẳng hạn như ngân hàng HSBC, gặp khó khăn trong việc làm hài lòng cả hai phía.

“Điều này sẽ buộc các ngân hàng và tổ chức phải lựa chọn giữa việc tuân thủ luật pháp Trung Quốc và Hong Kong hoặc tuân thủ việc thực thi các lệnh trừng phạt của Mỹ, đặt các cơ quan quản lý và ngân hàng lớn vào một tình thế rất khó xử” - ông Kostrzewa nói.

Ông Benjamin Kostrzewa. Ảnh: HOGAN LOVELLS

Ông Kostrzewa cho biết có khả năng hiếm hoi rằng các tổ chức và ngân hàng có thể diễn giải một cách linh hoạt các biện pháp trừng phạt để có thể thi hành tùy ý mà không mất lòng bên nào.

“Đạo luật tự trị Hong Kong và các sắc lệnh không xác định chi tiết giao dịch nào được coi là "quan trọng" với những cá nhân bị trừng phạt. Vì vậy, rất nhiều ngân hàng đang xem xét kỹ lưỡng điều này” - ông Kostrzewa nói.

Trước đó, cảnh sát trưởng Hong Kong Chris Tang Ping-keung - người nằm trong số 11 quan chức bị Washington trừng phạt hồi tháng 8 - đã chuyển khoản thế chấp của mình từ HSBC sang Ngân hàng Trung Quốc tại Hong Kong vài ngày trước khi Mỹ ban hành sắc lệnh.

Liên minh Tín dụng Cảnh sát Hong Kong với 45.000 thành viên cũng đã chuyển khối tài sản ước tính 1,4 tỉ USD từ các ngân hàng nước ngoài sang các ngân hàng đại lục trong đặc khu kể từ tháng 5.

Lãnh đạo Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã nói rằng đối với bà, các lệnh trừng phạt của Mỹ chỉ là "một sự bất tiện" và "không phải là mối đe dọa".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm