Phát hiện tàu khu trục Trung Quốc trong EEZ, ngư dân Indonesia e ngại ra khơi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ Kompas (Indonesia) ngày 15-9 dẫn lời một số ngư dân Indonesia ở quần đảo Riau cho biết hôm 13-9 đã chạm mặt sáu tàu Trung Quốc, một trong số đó là tàu khu trục Côn Minh (Kunming)-172, ở biển Bắc Natuna.

Theo tờ báo, sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc đã khiến ngư dân địa phương e ngại khi ra khơi và hy vọng có sự can thiệp của lực lượng an ninh để mang lại cảm giác an toàn.

Ảnh chụp màn hình từ video của một ngư dân Indonesia cho thấy tàu khu trục Côn Minh-172 cùng năm tàu khác của Trung Quốc tiến vào biển Bắc Natuna, quần đảo Riau hôm 13-9. Ảnh: ALIANSI NELAYAN NATUNA UNTUK KOMPAS

Chủ tịch Liên minh Ngư dân Natuna Hendri hôm 15-9 đã chia sẻ một số đoạn video do ngư dân quay lại tại tọa độ 6.17237 vĩ độ Bắc và 109.01578 kinh độ Đông. 

Video cho thấy sáu tàu Trung Quốc hiện diện trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia, trong đó rõ ràng nhất là tàu khu trục Côn Minh-172.

"Các ngư dân sợ hãi vì họ [các tàu Trung Quốc] ở đó, đặc biệt là tàu chiến. Chúng tôi mong muốn chính quyền quan tâm đến vấn đề này để ngư dân cảm thấy an toàn khi ra khơi” - ông Hendri bày tỏ.

Theo Kompas, mối đe dọa từ tàu Trung Quốc ở khu vực biển Bắc Natuna đã gia tăng kể từ cuối tháng 8. 

Ngoài sáu tàu bị ngư dân Indonesia phát hiện, tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 10 của Trung Quốc gần đây cũng bị vệ tinh phát hiện nhiều lần di chuyển theo đường zig-zag ở biển Bắc Natuna và được một số tàu hải cảnh hộ tống.

Người đứng đầu Sở Thông tin Chỉ huy Hạm đội 1 của Hải quân Indonesia - Trung tá Laode Muhammad - cho biết đơn vị chưa nhận được báo cáo về sự hiện diện của sáu tàu Trung Quốc mà ngư dân nhìn thấy ở biển Bắc Natuna. 

Tuy nhiên, nếu có tàu Trung Quốc đi lại trong vùng EEZ của Indonesia, thông thường các tàu hải quân nước này sẽ bám sát và liên lạc với họ.

Ông Laode nói thêm rằng có bốn tàu TNI AL của Hải quân Indonesia đang hoạt động ở biển Natuna, gồm tàu KRI Diponegoro-365, KRI Silas Papare-386, KRI Teuku Umar-385 và KRI Bontang-907.

“Rõ ràng là tàu của chúng tôi luôn ở đó để nếu có tàu Trung Quốc đi vào (lãnh thổ Indonesia), chúng tôi chắc chắn sẽ bám sát” - ông Laode nói.

Theo Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Rene L Pattiradjawane, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 quy định rõ ràng rằng tàu quân sự của một nước không được tuần tra trong EEZ của nước khác. 

"Indonesia phải cứng rắn hơn trong việc đáp trả sự xâm nhập của các tàu khu trục Trung Quốc vào biển Bắc Natuna" - ông Rene nói. 

“Không phải là về sự gia tăng hoạt động của Trung Quốc nữa, mà là sự hiện diện của các tàu chiến của họ ở đó" - ông Rene nhấn mạnh.

Theo ông, đây là lần đầu tiên tàu khu trục Trung Quốc bị phát hiện ở biển Bắc Natuna, nói thêm rằng chính phủ Indonesia cần kiên quyết làm rõ ý định của Trung Quốc khi đưa tàu chiến đến khu vực.

Ông Rene cũng đánh giá rằng hành động gây hấn của Trung Quốc ở biển Bắc Natuna đe dọa các nước Đông Nam Á khác. 

"Vấn đề này cần được đưa ra Hội đồng Cấp cao ASEAN để thảo luận về các bước cần thực hiện nhằm đối phó mối đe dọa ngày càng tăng về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, trong bối cảnh các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông chồng chéo lên nhau" - ông Rene nói thêm.

Theo Kompas, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố các phần của biển Bắc Natuna là một phần của khu vực lưu vực truyền thống của họ. Yêu sách này được Bắc Kinh thể hiện thông qua cái gọi là "đường chín đoạn".

Trên thực tế, yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường chín đoạn” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.

Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm