Phương Tây đang nỗ lực chiếm lại ưu thế ngoại giao trong vấn đề Syria, ngỏ lời mời Nga hợp tác đưa chính phủ của ông Bashar al-Assad đến vòng hòa đàm do Liên Hiệp Quốc (LHQ) bảo trợ.
Bắt đầu chiến dịch ngoại giao
Nói chuyện hợp tác ngoại giao lúc này có vẻ khiên cưỡng nhưng đó chính là điều phương Tây đang muốn ở Nga. Gần đây nhất, vào ngày 16-4 tại Luxembourg, ngoại trưởng 28 nước Liên minh châu Âu (EU) đã họp bàn giải pháp khôi phục vòng hòa đàm Syria.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, EU đồng ý vụ nã tên lửa vừa qua chỉ là “biện pháp đặc biệt nhằm vào một mục tiêu duy nhất là ngăn chặn vũ khí hóa học”, thống nhất sẽ không có thêm hành động quân sự nào xảy ra tại Syria. EU kêu gọi các bên ở Syria ngừng bắn và con đường duy nhất đạt được hòa bình lâu dài ở Syria là tìm giải pháp chính trị từ vòng hòa đàm do LHQ bảo trợ. Tuyên bố này sẽ là nền tảng cho cuộc họp của EU và LHQ tại Bỉ tuần tới về tương lai của Syria và khu vực.
Mỹ, Anh, Pháp cũng đã nhanh chóng bắt tay chuẩn bị một dự thảo nghị quyết trình Hội đồng Bảo an, kêu gọi LHQ điều tra độc lập các vụ tấn công hóa học ở Syria, tạo điều kiện cứu trợ nhân đạo, thực hiện ngừng bắn, yêu cầu chính phủ Syria tham gia vòng hòa đàm LHQ bảo trợ. Có thể thấy nước hoạt động tích cực nhất trên mặt trận ngoại giao mấy ngày qua là Pháp. Trao đổi với báo Journal du Dimanche ngày 15-4, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian kêu gọi Nga hợp tác tìm hòa bình cho Syria. Ông Le Drian đề nghị Nga vận động Tổng thống Syria Bashar al-Assad đàm phán với các phe chống đối.
Nói trên kênh truyền hình Pháp BFMTV cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị các nước khôi phục nỗ lực ngoại giao về Syria trong khuôn khổ LHQ, vốn ngưng trệ từ năm 2016. Ông cho biết Pháp muốn đề xuất một sáng kiến ngoại giao về Syria với sự có mặt của cả các nước phương Tây lẫn Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông tự tin rằng Pháp có thể vừa tiếp xúc với Mỹ vừa tiếp xúc với Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là ba nước bảo trợ lộ trình Astana - một vòng đàm phán hòa bình khác cho vấn đề Syria. Có thể thấy các nước phương Tây đang theo đuổi chiến dịch chiếm lại ưu thế ngoại giao về Syria cho phương Tây, vừa mềm dẻo vận động vừa cứng rắn làm áp lực để Nga đưa chính phủ Assad đến vòng hòa đàm LHQ bảo trợ.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và Ngoại trưởng Anh Boris Johnson tại cuộc họp EU ở Luxembourg ngày 16-4. Ảnh: GETTY
Người dân thủ đô Damascus xuống đường bày tỏ quyết tâm ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad sau vụ không kích ngày 14-4. Ảnh: AFP
Quá nhiều bất lợi
Tình hình đang có quá nhiều bất lợi cho các nước phương Tây để nối lại những nỗ lực ngoại giao có lợi hơn cho lập trường của họ. Chính phủ Assad đang thắng thế trước phe nổi dậy và quyết tâm tái chiếm thành trì cuối cùng là tỉnh Idlib. Hiện tại không có dấu hiệu gì cho thấy chính phủ Syria sẵn sàng thương lượng bất cứ điều gì có khả năng thách thức quyền lực của ông Assad. Nhưng nếu không có điều khoản đó thì phe nổi dậy cũng không tham gia đàm phán.
Sau ba năm tích cực can dự ở Syria, Nga cũng không dễ dàng từ bỏ những thành quả gần như đã nằm ngay trước mắt. Chiến thắng nghiêng về đồng minh Assad sẽ nâng cao uy tín, xác định vai trò và sức mạnh của Nga ở khu vực. Nga cũng sẽ không dễ dàng từ bỏ bao công sức ngoại giao lèo lái lộ trình Astana và để phương Tây chen chân vào đàm phán lại từ đầu. Còn theo đài CNN, khó có tiến trình ngoại giao nào được khởi động sau vụ không kích của Mỹ, Anh, Pháp. Đà xuống cấp quan hệ Mỹ-Nga là vật cản lớn nhất trong chiến dịch tái khởi động ngoại giao của phương Tây. Trong khi Nhà Trắng ngày 16-4 nói Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn muốn gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin thì Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lại nói rằng chính phủ Moscow đã mất gần hết niềm tin với Mỹ sau vụ không kích.
Đúng như Ngoại trưởng Pháp Le Drian nói, mọi khả năng, mọi con đường ngoại giao đều đi qua Nga. Mong muốn hợp tác là của phương Tây nhưng cơ hội nằm trong tay Nga. Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin không muốn hay không thuyết phục được ông Assad đến vòng hòa đàm của LHQ thì mọi mong muốn của phương Tây chỉ là viển vông.
Có thể thấy Đức hiện khá miễn cưỡng trong chiến dịch chiếm lại ưu thế ngoại giao về Syria cho phương Tây, kéo chính phủ Syria đến vòng hòa đàm LHQ bảo trợ. Đồng ý ngoại giao là giải pháp duy nhất cho hòa bình Syria nhưng Ngoại trưởng Đức Heiko Maas lại để mở khả năng “cần một hình thức khác” thay thế vòng hòa đàm LHQ bảo trợ. Tại Lu xembourg ngày 16-4, ông Maas còn nói: “Dù thích dù không cũng phải thừa nhận nếu không có Nga quý vị sẽ không giải quyết được xung đột này”. _________________________ “Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn muốn gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sẽ tốt hơn nếu Mỹ với Nga có quan hệ tốt” - người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết vào ngày 15-4. |