Quan hệ ASEAN-Trung Quốc cần yếu tố ‘niềm tin’?

Tờ South China Morning Post hôm 12-6 nhận rằng các quốc gia Đông Nam Á vẫn tỏ ra thận trọng với Trung Quốc dù Bắc Kinh đã có những nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ trong Hội nghị đặc biệt ASEAN - Trung Quốc lần thứ 19 diễn ra vào đầu tuần này.

Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc tham dự Hội nghị đặc biệt ASEAN - Trung Quốc lần thứ 19 hôm 7-6 tại TP Trùng Khánh. Ảnh: Wang Quanchao/XINHUA

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại hội nghị trên, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã đề ra kế hoạch về việc nâng cấp mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc từ “đối tác chiến lược” lên “đối tác chiến lược toàn diện”.

Tuy nhiên, cụm từ “đối tác chiến lược toàn diện” đã không xuất hiện trong tuyên bố chung công bố vào ngày 8-6. Thay vào đó, tuyên bố cho biết hai bên nhất trí “hợp tác chặt chẽ cùng nhau để nâng quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN lên một tầm cao hơn”.

Theo các chuyên gia, sự khác biệt trong ngôn ngữ trên có khả năng tạo ra các rào cản phía trước cho mối quan hệ ASEAN - Trung Quốc.

Chuyên gia Chen Xiangmiao, trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Biển Đông ở Hải Nam, cho biết dù Bắc Kinh đang cố gắng tìm kiếm mối quan hệ hợp tác rộng rãi trong lĩnh vực chính trị và an ninh, ASEAN đã tỏ ra thận trọng hơn về mối quan hệ với Trung Quốc để không gây ra “sự phật lòng” từ phía Mỹ. 

Ông Chen nói rằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn tiếp diễn, Trung Quốc cần tìm cách tiếp cận mới nhằm xây dựng niềm tin với các nước láng giềng Đông Nam Á. Việc thiếu lòng tin vào Bắc Kinh, đặc biệt là về an ninh, có thể khiến Trung Quốc mất cơ hội thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với khu vực.

Đồng thời, ông cho rằng quan hệ Mỹ - Trung cải thiện sẽ có ích cho khu vực.

“Cho đến nay, như những gì chúng ta thấy là ASEAN cần dò xét Mỹ khi làm việc với Trung Quốc. Nếu cạnh tranh với Mỹ tiếp tục leo thang, ASEAN sẽ thực sự khó khăn khi đưa ra lựa chọn” - ông Chen cho biết.  

Trong khi đó, chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Đại dương Thanh Đảo (Trung Quốc) Pang Zhongying, nhận định rằng sự “thiếu hụt lòng tin” cũng sẽ cản trở việc nâng cấp mối quan hệ này.

“ASEAN đặc biệt quan trọng đối với Mỹ trong chính sách kiềm chế Trung Quốc. Đó là lý do tại sao ASEAN đang thận trọng theo dõi. Không có giải pháp nhanh chóng và đơn giản nào cho cả ASEAN và 10 quốc gia thành viên để quyết định cách điều hướng giữa Trung Quốc và Mỹ ” - chuyên gia Pang cho hay.

Theo một khảo sát gần đây do Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore thực hiện, mức độ mất lòng tin vào Trung Quốc đã vượt xa độ tin cậy trong tất cả các nước thành viên ASEAN.

Kết quả là có tới 63% trong số người tại Đông Nam Á được khảo sát không tin tưởng vào Trung Quốc, con số này vào năm 2019 là 51,5% và năm 2020 là 60,4%. Trong khi đó, sự tin tưởng của khu vực vào Mỹ đã tăng từ 27,3% vào năm 2019 lên 30,3% vào năm 2020 và 48,3% vào năm nay.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm