Hội nghị ASEAN - Trung Quốc: Nóng COVID-19 và Biển Đông

Trong hai ngày 7 và 8-6 (giờ địa phương) tại TP Trùng Khánh (Trung Quốc (TQ)) diễn ra Hội nghị đặc biệt ASEAN - TQ cấp bộ trưởng ngoại giao lần thứ 19. Đây là sự kiện trọng tâm của chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN - TQ. Một loạt vấn đề cốt lõi hai bên được đem ra thảo luận nhằm tạo tiền đề cho chặng đường 30 năm hợp tác tiếp theo.

Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc tham dự Hội nghị
đặc biệt ASEAN - Trung Quốc lần thứ 19 hôm 7-6 tại TP Trùng Khánh. Ảnh: AP

Chung tay đẩy lùi COVID-19, khôi phục kinh tế

Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị nhấn mạnh mốc kỷ niệm 30 năm có ý nghĩa rất đặc biệt với việc xây dựng các mối quan hệ bền chặt song phương dựa trên những thành tựu trong quá khứ và theo đuổi tiến bộ mới. Do đó, TQ muốn bắt đầu giai đoạn mới bằng các kế hoạch hợp tác với khối ASEAN nhằm đẩy lùi đại dịch COVID-19 trong khu vực và phục hồi kinh tế.

Cụ thể, phía TQ cam kết hỗ trợ tăng nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 cho các nước ASEAN thông qua hình thức viện trợ và mua - bán thông thường; TQ cũng ngỏ ý muốn hỗ trợ ASEAN cải thiện năng lực nghiên cứu, phát triển để tự sản xuất và phân phối vaccine.

Về mục tiêu phục hồi kinh tế, ông Vương cam kết sẽ tích cực hợp tác với ASEAN để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo đúng nội dung Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF) đã được khối thông qua ở kỳ hội nghị cấp cao lần thứ 37 vào tháng 11 năm ngoái. Ông Vương cũng kỳ vọng các hoạt động thương mại và đầu tư TQ - ASEAN sẽ diễn ra sôi nổi trong thời gian tới, tạo tiền đề thuận lợi để Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực
(RCEP) sớm chính thức có hiệu lực. Đây là thỏa thuận được ASEAN ký với năm quốc gia là TQ, Nhật, Hàn Quốc, Úc và New Zealand - dự kiến tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm 30% GDP toàn cầu.

Hầu hết bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đều phản ứng tích cực với các đề nghị hỗ trợ của TQ. Dù vậy, cũng có một ý kiến đề xuất thêm rằng bên cạnh hỗ trợ tiêm chủng vaccine, hai bên cũng nên tăng cường thêm trao đổi các chuyên gia chống dịch, nhất là các chuyên gia từ TQ, để giúp ASEAN đối mặt các khó khăn trước mắt với số bệnh nhân tăng nhanh từng ngày.

Vấn đề an ninh Biển Đông nóng tại hội nghị

Cũng như các lần hội nghị trước, vấn đề an ninh Biển Đông và tranh chấp chủ quyền trên biển tiếp tục là vấn đề rất được các nước ASEAN quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh TQ thời gian gần đây liên tục có các động thái đơn phương làm ảnh hưởng tới hòa bình khu vực. Gần đây nhất, vụ 16 máy bay vận tải TQ áp sát không phận của Malaysia tuần trước khiến quan hệ hai bên rơi vào căng thẳng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc TQ đang chuẩn bị kéo giàn khoan nặng 10.000 tấn ra Biển Đông vào tháng 6 để khai thác tài nguyên cũng làm nhiều nước nghi ngờ về ý đồ thực sự của Bắc Kinh.

Theo cổng thông tin chính thức của chính phủ, về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã có một số phát biểu đáng chú ý. Ông Sơn cho biết ASEAN và TQ đều cùng phải nỗ lực duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, thượng tôn pháp luật ở khu vực, thông qua hành động có trách nhiệm và hợp tác thiện chí, kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt. Còn ông Dũng thẳng thắn chỉ rõ rằng các hành động gây hấn đơn phương vẫn tiếp tục xảy ra ngoài thực địa, vi phạm quyền hợp pháp của các nước ven Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng và xói mòn lòng tin, đi ngược lại các nỗ lực chung của ASEAN - TQ.

Dù vậy, tại hội nghị, các bộ trưởng hai bên nhấn mạnh vẫn coi trọng quan hệ hợp tác chiến lược ASEAN - TQ và mong muốn thúc đẩy mối quan hệ này ngày càng phát triển, trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, cùng đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế, theo tờ South China Morning Post.

Mặt khác, việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có ở Biển Đông, là quan tâm và lợi ích chung của cả ASEAN và TQ. Do đó, các bộ trưởng cam kết tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), mong muốn nhanh chóng nối lại tiến trình đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển (COC) thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế nói chung và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).•

Một sự kiện khác diễn ra song song với Hội nghị đặc biệt ASEAN - TQ cấp bộ trưởng ngoại giao là Hội nghị Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ 6 cấp bộ trưởng ngoại giao cũng diễn ra ở TP Trùng Khánh. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Uông Văn Bân nhấn mạnh hội nghị sẽ giúp kết nối sự tham vấn sâu rộng giữa sáu nước ven sông Mekong là TQ, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam để đạt những kết quả đáng kể về kinh tế - xã hội
 

Trung Quốc đánh giá cao nhân tố ASEAN trong hòa giải Myanmar

Về tình hình bất ổn chính trị ở Myanmar, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị tỏ ý hoan nghênh và đề cao vai trò của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp ổn định tình hình. Ông cũng đánh giá cao bản đồng thuận năm điểm mà ASEAN đã thông qua trong kỳ họp hồi tháng 4 với lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar là Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing.

Bản đồng thuận có nội dung chủ yếu là yêu cầu chấm dứt bạo lực ngay lập tức và bắt đầu đối thoại mang tính xây dựng để tìm ra một giải pháp hòa bình “vì lợi ích của người dân”. Các bên cũng nhất trí rằng một đặc phái viên của ASEAN sẽ làm trung gian trong các cuộc đàm phán.

Ngày 3-6, Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei - ông Erywan Yusof và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đã đến Myanmar để thảo luận với giới lãnh đạo phe quân sự. Nội dung trao đổi đến nay vẫn chưa được tiết lộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm