Theo thông tin từ báo South China Morning Post (SCMP) sáng 24-8, Trung Quốc gần đây đã cho mời các nhà ngoại giao từ 10 nước ASEAN làm việc tại nước mình đến để họp về vấn đề Biển Đông. Cuộc họp diễn ra tại Bắc Kinh đầu tháng 8.
Tại cuộc họp này phía Trung Quốc đã trình bày các lo ngại về tình hình gia tăng nguy cơ xung đột ở vùng biển tranh chấp này và đề xuất khôi phục đối thoại về Biển Đông.
Trung Quốc xuống nước vì áp lực Mỹ
Cụ thể tại cuộc họp một quan chức Bắc Kinh phụ trách các vấn đề hàng hải và biên giới đã trình bày các quan ngại của nước này về việc “gia tăng rủi ro từ các hoạt động quân sự của các nước ngoài khu vực” – cụm từ Trung Quốc hay dùng để nói về vai trò của Mỹ ở châu Á.
Quan chức này kêu gọi các thành viên ASEAN cùng hợp tác với Trung Quốc. Quan chức này cũng đề xuất Trung Quốc và ASEAN nên khôi phục đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) càng sớm càng tốt “để thể hiện sự tiến triển”. Theo lời một số nguồn tin biết chi tiết về cuộc họp thì quan chức Trung Quốc nói nước này không muốn tiến trình này bị cản trở vì các nước không phải là bên tham gia đàm phán.
“Quan chức này không nói Trung Quốc muốn thể hiện tiến trình này với ai, nhưng rõ ràng đó là với Mỹ” – SCMP dẫn lời một nguồn tin.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ dẫn đầu đội tàu hải quân Mỹ và Singapore trong một lần hoạt động ở Biển Đông. Ảnh: AFP
Theo SCMP, nhiều nhà ngoại giao ASEAN cho rằng cuộc gặp nhấn mạnh mong muốn của Trung Quốc là giữ các láng giềng châu Á bên mình và đẩy Mỹ ra khỏi bức tranh khu vực, sau khi Washington có bước đi cứng rắn chống lại các tuyên bố chủ quyền trái phép của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Nhiều nhà ngoại giao ASEAN cũng cho biết Bắc Kinh thời gian gần đây tỏ ra thiện chí hơn với việc bàn bạc giải quyết bất đồng Biển Đông.
Ngày 21-8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói các phòng ban liên quan của mình vẫn duy trì “giao tiếp bình thường” với các phái bộ ASEAN ở Trung Quốc, nhưng không nói cụ thể.
Trung Quốc và các nước ASEAN đã bắt đầu tiến trình đàm phán nhằm tiến tới đạt được COC từ hơn hai thập niên qua.
Trong buổi tiếp Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ngày 20-8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với các nước ASEAN để đảm bảo sớm hoàn tất COC.
ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC – không mang tính ràng buộc) từ năm 2002, nhưng DOC không được chính thức thông qua cho tới mãi năm 2011. Đến năm 2-13 hai bên bắt tay đàm phán COC (mang tính ràng buộc). Đến năm 2018 hai bên thống nhất thỏa thuận về một “bản thảo ngôn ngữ đàm phán” mà sẽ được dùng như là nền tảng để đàm phán COC.
Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc tháng 11-2019, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thông báo lần họp và đọc đầu tiên “bản thảo ngôn ngữ đàm phán” giữa hai bên đã được tiến hành xong, và Bắc Kinh đề xuất một lộ trình ba năm để hoàn tất COC vào năm 2021.
Tuy nhiên từ sau thông báo này của phía Trung Quốc thì tiến trình không có nhiều tiến triển thêm, và gần đây thì cuộc đàm phán bị ảnh hưởng thêm vì đại dịch COVID-19. Trước đại dịch ASEAN và Trung Quốc đã lên lịch tổ chức nhiều cuộc đàm phán, trước hết là ở Brunei vào tháng 2, sau đó ở Philippines vào tháng 5, ở Indonesia vào tháng 8, và ở Trung Quốc vào tháng 10.
ASEAN nên thận trọng
Theo nhiều chuyên gia khu vực, tiến trình đàm phán về COC đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh áp lực từ Mỹ lên Trung Quốc cũng như căng thẳng giữa Bắc Kinh và các nước ASEAN ngày càng tăng. Thời gian qua Trung Quốc đã có nhiều hành vi gây căng thẳng nghiêm trọng với các láng giềng ASEAN như Malaysia, Indonesia, Việt Nam.
Liệu hai bên có đạt được COC vào năm 2021 như kế hoạch hay không vẫn là điều chưa thể chắc, khi vẫn còn đó nhiều rào cản lớn quanh các vấn đề phạm vi địa chính trị, việc thực thi và cơ chế giải quyết bất đồng trong thỏa thuận.
Trong khi đó theo nhà nghiên cứu Collin Koh tại trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam thuộc đại học công nghệ Nanyang (Singapore), dù quan điểm của Mỹ có phần nào có lợi cho các nước ASEAN có tranh chấp Biển Đông thì các nước này vẫn phải thận trọng với việc đàm phán COC, không để việc này bị ảnh hưởng vì căng thẳng Trung-Mỹ.
Theo ông Koh, áp lực của Mỹ có thể buộc Trung Quốc phải đồng ý rằng COC phải có tính ràng buộc, nhưng hiện vẫn chưa rõ các bên sẽ làm thế nào để đảm bảo tính hiệu quả của COC, cũng như thiết lập cơ chế thực thi thỏa thuận này.