Úc nói đã 'thẳng thắn, cởi mở' với Pháp những lo ngại về thỏa thuận tàu ngầm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hãng AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton ngày 19-9 cho biết Úc đã "thẳng thắn, cởi mở và trung thực" với Pháp về những lo ngại của nước này về thỏa thuận mua tàu ngầm của Pháp trước khi hủy bỏ hợp đồng.

Pháp đã rất tức giận trước việc Úc quyết định rút khỏi thỏa thuận mua tàu ngầm của Pháp trị giá hàng tỉ USD và quay sang mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ.

Paris đã triệu tập các đại sứ của nước này tại Canberra và Washington, đồng thời cáo buộc các đồng minh "nói dối" về kế hoạch của họ.

Úc nói đã 'thẳng thắn' trao đổi với Pháp về những lo ngại về thỏa thuận tàu ngầm. Ảnh: REUTERS

Trao đổi với kênh Sky News hôm 19-9, ông Dutton cho biết chính phủ Úc đã "thẳng thắn, cởi mở và trung thực" với Pháp rằng họ lo ngại về thỏa thuận, vốn vượt quá ngân sách và chậm hơn nhiều năm so với kế hoạch. 

Ông Dutton nói rằng ông hiểu "sự khó chịu của Pháp", song khẳng định quyết định này không nên được coi là một sự bất ngờ.

"Chúng tôi đã tiến hành xem xét bởi vì vài năm qua, chúng tôi đã quan tâm đến hợp đồng và quá trình xem xét đã cho thấy rất rõ ràng rằng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là lựa chọn tốt nhất để giữ an toàn cho Úc và đó là quyết định mà chúng tôi đã đưa ra" – ông Dutton trao đổi với Sky News.

“Các ý kiến cho rằng chính phủ Úc đã không nêu bật các lo ngại, thành thật mà nói, là sự coi thường đối với những gì đã được ghi nhận công khai và chắc chắn là những gì đã được nói công khai trong một thời gian dài” – ông Dutton nói thêm.

Vị bộ trưởng nhấn mạnh: "Chúng tôi đã thẳng thắn, cởi mở và trung thực".

Ông Dutton cho biết cá nhân ông đã bày tỏ những lo ngại đó với người đồng cấp Pháp – bà Florence Parly, đồng thời nhấn mạnh Úc "cần phải hành động vì lợi ích quốc gia", mà theo ông là thông qua mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

"Với tình hình thay đổi ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, không chỉ bây giờ mà trong những năm tới, chúng tôi phải đưa ra quyết định vì lợi ích quốc gia của chúng tôi và đó chính xác là những gì chúng tôi đã làm" – ông Dutton nhấn mạnh.

"Trung Quốc đang đẩy mạnh sản xuất tàu ngầm, tàu khu trục nhỏ và tàu sân bay với tốc độ kỷ lục.

"Vì vậy, phần còn lại của thế giới hiện, trong một giai đoạn, đang thực sự tăng cường sản xuất những khí tài đó và không may, đó chính là động lực mà chúng tôi đang theo đuổi vào lúc này" – ông Dutton nói.

Theo ông Dutton, Canberra đã không thể mua các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân của Pháp vì đòi hỏi phải sạc pin trong khi các tàu ngầm của Mỹ thì không cần.

Trong bối cảnh việc hạm đội tàu ngầm mới của Úc dự kiến sẽ không thể hoạt động trong nhiều thập niên tới, ông Dutton cho biết Canberra có thể cân nhắc việc thuê hoặc mua các tàu ngầm hiện có từ Mỹ hoặc Anh trong thời gian tạm thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm