Ban Bí thư vừa ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội. Đây là lần đầu tiên hai chức năng quan trọng này được cụ thể thành cơ chế để đảm bảo thực hiện, với đối tượng tác động gồm tất cả cơ quan, tổ chức từ trung ương tới cơ sở và với tất cả cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức. Phạm vi giám sát và phản biện cũng rất rộng, chỉ trừ vấn đề thuộc bí mật quốc gia.
Không được để “chìm xuồng”
Theo quy chế, giám sát được hiểu là theo dõi, phát hiện, xem xét; là đánh giá, kiến nghị nhằm tác động tới cơ quan, tổ chức, cá nhân bị giám sát trong việc thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Còn phản biện xã hội là nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị với các dự thảo chủ trương, chính sách, pháp luật.
Hoạt động giám sát sẽ được thực hiện theo kế hoạch hằng năm do MTTQ xây dựng, báo cáo trước với cấp ủy, chính quyền. Tuy nhiên, khi cần thiết vẫn có thể giám sát ngoài kế hoạch. Giám sát có thể bằng cách thông qua việc thực hiện các quy định về dân chủ ở cơ sở, qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc qua khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân, báo chí.
MTTQ giám sát có thể bằng cách thông qua các hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, báo chí… Trong ảnh: MTTQ xã Mão Điền (Bắc Ninh) cùng ban giám sát đầu tư cộng đồng kiểm tra chất lượng thi công đường trục xã. Ảnh: XM
Cơ quan, tổ chức, cá nhân bị giám sát có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cho MTTQ và đoàn thể thực hiện việc giám sát; có quyền góp ý vào dự thảo báo cáo kết quả giám sát. Hai bên có thể đối thoại để làm rõ vấn đề. Báo cáo kết quả giám sát phải được gửi cho đối tượng bị giám sát, cấp trên trực tiếp và những ban, ngành có liên quan.
Đáng chú ý, từ nay Bộ Chính trị, Ban Bí thư, QH, Chính phủ ở trung ương và các cấp ủy, HĐND, UBND ở địa phương sẽ định kỳ sáu tháng và hằng năm nghe MTTQ cùng cấp báo cáo về kết quả công tác giám sát.
Còn về phản biện xã hội, quy chế đặt yêu cầu nội dung phản biện cần đánh giá toàn diện dự thảo chính sách, pháp luật được đề cập, từ tính phù hợp về mặt pháp lý, tính khoa học, thực tiễn tới dự báo tác động. Để đảm bảo các điều kiện cho hoạt động phản biện xã hội, cơ quan, tổ chức dự thảo chủ trương, chính sách, pháp luật sẽ phải cung cấp tài liệu, thông tin cho MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội thực hiện phản biện. Đôi bên có thể đối thoại khi cần thiết. Bên nhận phản biện phải trả lời bằng văn bản về việc tiếp thu ý kiến phản biện.
Tạo điều kiện để nhân dân góp ý cho Đảng
Cũng để củng cố, phát huy vai trò của MTTQ và năm đoàn thể đại diện cho công đoàn, nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên, Ban Bí thư đã ban hành quy định về việc MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Theo đó, đối tượng góp ý là cán bộ, đảng viên và tất cả tổ chức đảng, bao gồm cả Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ban đảng trung ương, các tổ chức đảng trực thuộc trung ương cùng QH, Chính phủ, các cơ quan tư pháp, kiểm toán, cơ quan nhà nước các cấp và công chức, viên chức.
Hình thức góp ý có thể là theo định kỳ hoặc thường xuyên, đột xuất; có thể bằng văn bản hay đối thoại trực tiếp. Nội dung góp ý phải bám vào việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhưng cũng có thể về phẩm chất, chính trị, đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Đáng chú ý, Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy, chính quyền phải chủ trì, phối hợp với MTTQ và các đoàn thể, tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở địa phương với nhân dân và lấy ý kiến của nhân dân nơi cư trú với cán bộ, đảng viên. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền phải báo cáo kết quả tiếp thu ý kiến lên cấp trên và MTTQ, đoàn thể cùng cấp để theo dõi, giám sát.
Các quy định nói trên là kết quả của quá trình nghiên cứu, chuẩn bị qua hai nhiệm kỳ của Đảng. Và phải tới sau Nghị quyết Trung ương 4 năm 2012 về xây dựng chỉnh đốn Đảng, khi được nhắc lại, vấn đề giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền mới được cụ thể hóa bằng văn bản có tính ràng buộc này.
NGHĨA NHÂN