ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng: dự luật còn hơi dung túng cho tội phạm. LÊ PHI
Tại phiên thảo luận chiều 27-5 về Bộ Luật tố tụng hình sự (sửa đổi), các ĐBQH đoàn TP.HCM đã tranh luận nảy lửa về dự luật này. Có khá nhiều ý khác nhau đến từ các đại biểu.
Theo đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Đương, cách đây 12 năm ông là người được giao biên tập đến chữ cuối cùng của Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2003. Ông Đương khuyên mọi người không nên lạc quan sớm quá về dự luật lần này vì từng đã có câu chuyện rắc rồi về luật xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện.
Dung túng cho tội phạm
ĐB Đương cho rằng, dự luật mới dung túng cho tội phạm khi đưa vào nhiều điều có lợi cho tội phạm. “Tôi quan niệm sinh ra các cơ quan tư pháp trước hết là đấu tranh chống tội phạm giữ bình yên cho 90 triệu dân. Với thiểu số người có hành vi nguy hiểm (khoảng 130.000 đối tượng) chống lại sự bình yên thì không được dung túng”, vị ĐB này nói.
ĐB Đương đưa ra ví dụ, nếu anh đặt tâm trạng vào người bị hại, khi ra khỏi nhà lo trộm cắp, đi trên đường sợ cướp thì mới thấu hiểu được tâm trạng của người bị hại. Theo ĐB Đỗ Văn Đương, dù luật có tiên tiến mấy cũng không thể tránh được oan sai. “Chúng ta chỉ có thể làm giảm oan sai chứ không thể yêu cầu tuyệt đối được. Dù biết rằng, một người bị oan thì không chỉ họ đau khổ mà cả gia đình họ đau khổ nhưng nếu vì số ít này mà chiều chuộng nhân văn với tội phạm là không được”, ĐB Đương cứng rắn nói.
ĐB Đương cho rằng, trong dự luật này gần như quy định quyền im lặng của người phạm tội. “Luật không buộc phải khai, không buộc phải nhận tội, như vậy ngầm hiểu là im mồm rồi, tội phạm không khai báo gì cả thì sao xử lý. Cái này phải làm rõ là bị can, bị cáo được phép trình bày ý kiến và quan trọng nhất là chống lại bức cung nhục hình. Chứ không phải cứ khăng khăng im mồm như thế, nếu cứ nghĩ như thế là diễn biến hòa bình, chống lại nhân dân… Quan điểm của tôi là không để oan sai nhưng cũng không để bỏ lọt tội phạm” ĐB Đương nói.
Tuy nhiên đại biểu Trần Du Lịch không đồng tình: “Tôi không nghĩ VKSTC như anh Đương nói là dung túng tội phạm, không quan tâm tới 90 triệu dân đâu”. ĐB Lịch cho rằng, tội phạm có quyền im lặng còn việc chứng minh tội phạm tội là của cơ quan chấp pháp”.
Quy định ghi âm, ghi hình khi lấy cung là “lạc quan tếu”
Theo ông Đương, quy định về ghi âm, ghi hình để chống lại bức cung nhục hình là “lạc quan tếu”: “Buồng hỏi cung tôi đi hết rồi, đều có ghi hình. Nhưng 60% là phạm pháp quả tang, thì ghi âm ghi hình để làm gì. Rồi ai sẽ là người ghi âm, ghi hình? Còn nếu là điều tra viên thì ai dại gì ghi âm, ghi hình lúc anh đang dùng nhục hình với người ta. Tôi cho rằng cái này là tốn kém rườm rà không cần thiết. Cái quan trọng nhất là cái tâm của điều tra viên, có một số trường hợp là do anh em nôn nóng chứ không phải ai cũng vậy”.
Về thủ tục vào trại giam tiếp xúc với phạm nhân của luật sư. ĐB Đương cho rằng, trại giam không phải là cái chợ ai vào cũng được. Ngay cả ĐBQH cũng phải có kế hoạch mới vào. ĐB Đương cho rằng, thực tiễn mới là chân lý còn cây đời mãi mãi xanh tươi.
ĐB Trương Trọng Nghĩa lại cho rằng, dự luật có tiến bộ. LÊ PHI
Phải bỏ giấy chứng nhận bào chữa
Trong khi đó, các ĐB khác lại cho rằng, dự thảo luật mới là rất tiến bộ, nhân văn và đề cao quyền con người.
ĐB Trương Trọng Nghĩa cho hay, phải bỏ ngay tư duy cứ hễ thấy phạm tội là chú trọng vào lời khai. Ví dụ, như vụ Hồ Duy Hải, Lê Bá Mai. Đáng lẽ các vụ án xảy ra thì phải đưa ra ngay một loạt biện pháp điều tra, thu thập chứng cứ chứ để một thời gian rồi bắt người ta, rồi trọng vào lấy cung là không được. “Vấn đề ở đây là trọng chứng hơn trọng cung, đã nói mấy chục năm nay rồi nhưng khi làm thì chúng ta lại cứ trọng cung”, ĐB Nghĩa nói.
ĐB Nghĩa cũng đề nghị phải bỏ quy định về giấy chứng nhận bào chữa. “Làm gì lại quy chụp nói bỏ chứng nhận bào chữa là sẽ đi vào chỗ không người. Ngay khi vào trại giam là chúng tôi đã phải cung cấp giấy tờ rồi. Phải bỏ cái này vì nó là một sự cản trở không cần thiết”, ĐB Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn.
ĐB Trần Du Lịch thì cho rằng, về dự luật này ngay cả trong ban soạn thảo cũng có nhiều ý kiến trái nhau. Nhưng quan điểm của ban soạn thảo là tiến bộ, thể hiện tinh thần về quyền của công dân về nhân thân mà Hiến pháp đã quy định.
“Tuy nhiên, nếu như chúng ta chỉ chạy theo chương trình pháp luật, mà thực ra là viết lại cả thì tôi sợ nhất là đi đến thỏa hiệp, thà không đổi mới thì thôi chứ đổi mới là phải căn bản”, ĐB Lịch nói.