Hãy đưa vàng Việt Nam về đúng giá trị thực - Bài 2

Quy định lạc hậu bóp nghẹt thị trường vàng

(PLO)- Trong khi giá vàng Việt Nam đắt hơn thế giới đến gần 20 triệu đồng/lượng thì tại các nước khác, mức chênh lệch này chưa tới 200.000 đồng/lượng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vào thời điểm ban hành Nghị định 24/2012, giá vàng SJC ở quanh mức 43 triệu đồng/lượng. Sau 10 năm thực hiện quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo nghị định trên, đến nay vàng thương hiệu quốc gia SJC tăng vọt lên ngưỡng 69 triệu đồng/lượng, có thời điểm trên 74 triệu đồng/lượng. Trong cùng thời gian trên, giá vàng thế giới chỉ tăng khoảng 8,5 triệu đồng/lượng.

Những thông số trên đã chỉ ra thị trường vàng Việt Nam (VN) không hội nhập, liên thông với thế giới, nguyên nhân chính là do việc quản lý còn bất cập.

Giá cao vì độc quyền

Tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 8-6 vừa qua, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đặt vấn đề liệu việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia SJC có phải là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC quá đắt so với thế giới như hiện nay?

Mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày càng nới rộng, gây thiệt thòi cho người mua. Ảnh: THÙY LINH

Mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày càng nới rộng,
gây thiệt thòi cho người mua. Ảnh: THÙY LINH

Bà Thủy dẫn chứng: Cùng là vàng miếng nhưng nếu không phải vàng SJC thì rẻ hơn 15 triệu đồng/lượng. Nếu xét về mặt giá thành hay xét về mặt giá thế giới thì mức chênh lệch như thế là quá lớn. Điều này đã gây tâm lý lo lắng, bất an cho người dân và gia tăng lạm phát.

Bà cũng đề nghị thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết trách nhiệm của cơ quan này đối với tình trạng nêu trên. “NHNN đã tiến hành thanh tra, kiểm tra yếu tố hình thành giá khi giá vàng miếng biến động bất thường hay chưa? Liệu có sự bắt tay, thao túng về giá vàng miếng SJC trên thị trường hiện nay hay không? Đến thời điểm nào NHNN sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 24/2012 để có thể xử lý căn cơ các vấn đề bất cập của hoạt động kinh doanh vàng trong thời gian qua?” - bà Thủy đặt câu hỏi.

Thực tế những bất cập, không liên thông giữa thị trường vàng trong nước với thế giới không phải bây giờ mới được đề cập. Nó bắt đầu xuất hiện từ năm 2010, sau khi NHNN ban hành Thông tư 01 yêu cầu các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài. Tiếp đó, Nghị định 24/2012 ra đời, quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

Thời điểm ấy, chênh lệch giữa giá vàng VN và giá vàng thế giới chỉ ở mức hơn 1,5 triệu đồng/lượng. Sau đó, khoảng cách giữa vàng VN và thế giới ngày càng lớn hơn, đồng nghĩa người mua vàng ngày càng chịu thiệt thòi nhiều hơn.

Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới (WGC) tại Singapore, Thái Lan, Indonesia và VN, phân tích: Chênh lệch giá vàng SJC bắt đầu xuất hiện rõ nét từ hai năm sau khi Nghị định 24/2012 được ban hành, khi nước ta không nhập thêm bất cứ miếng vàng nào. Nói cách khác, nguồn cung vàng miếng ra thị trường gần như bị chặt đứt. Đặc biệt từ năm 2014 đến nay, NHNN không còn sản xuất thêm vàng miếng SJC mà chỉ dập lại những miếng vàng bị móp méo.

“Do đó, nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường trong vòng tám năm nay không hề tăng mà ngày càng giảm, trong khi nhu cầu mua loại vàng này lại luôn hiện hữu nhờ tính thanh khoản cao, việc kiểm đếm dễ dàng. Khi nhu cầu mua vàng cao hơn nguồn cung thì giá vàng SJC mới có cơ hội tăng mạnh” - ông Khánh nói.

Vì sao chưa sửa?

Liệu đã đến lúc NHNN nên có động thái chấn chỉnh thị trường vàng trong nước để đảm bảo phù hợp với thị trường vàng thế giới? Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng đã được ban hành cách đây 10 năm, đến nay có điểm gì bất cập không và tại sao chúng ta không sửa nghị định này?

Đại biểu Quốc hội
PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp)

Đồng quan điểm, lãnh đạo một công ty vàng nhấn mạnh: Nguồn cung vàng SJC khan hiếm là nguyên nhân chính dẫn đến mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang ở mức rất cao. Thế nhưng theo quy định hiện hành, NHNN được Chính phủ giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Vàng SJC là thương hiệu chiếm tới 95% thị trường vàng miếng nên cơ quan này đã chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, tức SJC là thương hiệu độc quyền.

“Không có nước nào chênh lệch như VN”

Chuyên gia vàng Huỳnh Trung Khánh chỉ ra ở nhiều nước có thị trường vàng được liên thông với thế giới, mức chênh lệch giữa giá vàng nội - ngoại chỉ vài USD/ounce. Đơn cử như tại Singapore, chênh lệch giữa giá vàng của nước này với thế giới khoảng 5-6 USD/ounce, tức chỉ đắt hơn khoảng 170.000 đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi.

“Thị trường vàng Singapore là thị trường mở, hội nhập và liên thông với thế giới nên giá vàng ở mức hợp lý. Còn thị trường vàng đóng như tại VN thì mức chênh lệch sẽ không ai có thể đoán được. Cứ cái gì mà Nhà nước cấm nhập khẩu, nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu của thị trường vẫn có thì giá cả mặt hàng đó ngày càng tăng cho đến khi cung - cầu được đáp ứng. Đó là quy luật kinh tế” - ông Khánh nhấn mạnh.

Không chỉ bất thường ở việc giá vàng trong nước với thế giới chênh lệch quá bất hợp lý mà theo ông Khánh, khoảng cách chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra lại càng sốc hơn. Thực tế thời gian gần đây, chênh lệch giữa giá mua - bán vàng tại nước ta lên tới cả triệu đồng/lượng, thậm chí vài triệu đồng, gây thiệt thòi cho khách hàng. Còn trên thế giới, chênh lệch giữa giá mua - bán có khi chỉ cách nhau 50 cent, tức vênh nhau khoảng 15.000 đồng/lượng.

“Tôi khẳng định là không có quốc gia nào trên thế giới có mức chênh lệch giá mua - bán cao như ở VN” - vị chuyên gia nhấn mạnh.

Bình luận thêm về điều này, anh Hoàng Nghĩa, một nhà đầu tư vàng chuyên nghiệp ở TP.HCM, nhìn nhận: Lợi dụng vàng SJC khan hiếm nên có thời điểm xuất hiện tình trạng đầu cơ trên thị trường vàng. Cụ thể là một số “cá mập” đã đẩy giá vàng lên rất cao khi họ thấy nguồn cung không đủ, hoặc đẩy chênh lệch giữa giá mua và bán lên cao nhằm đẩy rủi ro sang người tiêu dùng.

Vì vậy, khi giá vàng miếng có sự chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới thì cơ quan quản lý nên xem xét việc cho nhập thêm vàng nguyên liệu để kéo giá vàng trong nước sát với thế giới. Qua đó tránh gây thiệt thòi cho người dân, tạo lập thị trường vàng lành mạnh.

Cần thiết sẽ cho nhập khẩu vàng

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, giá vàng trong nước có cùng xu hướng với giá vàng của thế giới. Song tốc độ điều chỉnh tăng của giá vàng trong nước nhanh hơn và tốc độ điều chỉnh giá vàng xuống lại chậm hơn giá vàng của thế giới.

Cũng theo bà Hồng, giá vàng của các thương hiệu ngoài SJC, tức vàng nguyên liệu, về cơ bản chênh lệch giá trong nước và thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng. Riêng giá vàng SJC tăng ở mức lớn, có lúc khoảng 16-17 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân, SJC là một thương hiệu vàng mà người dân ưa chuộng hơn, vì thế các đơn vị kinh doanh vàng niêm yết giá cao.

Giá vàng trang sức, vàng nhẫn bám khá sát với thị trường thế giới. Ảnh: THÙY LINH
Giá vàng trang sức, vàng nhẫn bám khá sát với thị trường thế giới. Ảnh: THÙY LINH

“Do thực hiện chủ trương chống vàng hóa trong nền kinh tế nên từ năm 2012 thực hiện Nghị định 24 và đặc biệt từ năm 2014 trở lại đây, NHNN không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng. Như vậy nguồn cung vàng miếng trong nước giảm đi, bởi vì có thể một phần vàng đó được chuyển sang sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Bên cạnh đó, với biến động của giá vàng thế giới, bản thân các đơn vị kinh doanh vàng miếng niêm yết giá cũng rất lo ngại về rủi ro nên thường niêm yết giá rất cao” - bà Hồng giải thích thêm.

Thống đốc NHNN cũng cho hay: Với vai trò quản lý nhà nước về vấn đề vàng, cơ quan này đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để can thiệp nếu cần thiết. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật được thì người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều. Do đó, cơ quan này chưa can thiệp, chỉ trong trường hợp cần thiết mới tiến hành nhập khẩu vàng để can thiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm