Quy định mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2020

Cấm ép người khác uống rượu bia

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020) quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu bia gồm:

- Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia.

- Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia.

-  Bán, cung cấp, khuyến mại rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

- Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu bia.

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

- Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

- Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.

- Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu bia đối với sức khỏe.

- Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.

- Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu bia.

- Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu bia bằng máy bán hàng tự động.

- Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu bia.

- Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu bia do luật định.

Phạm nhân là người đồng tính có thể được giam giữ riêng. (Ảnh minh họa)

Phạm nhân đồng tính, chuyển giới được giam giữ riêng

Đây là điểm mới tại Luật Thi hành án hình sự 2019 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2020. Theo đó tại Điều 30 luật quy định những phạm nhân sau đây sẽ được bố trí giam giữ riêng:

a) Phạm nhân nữ;

b) Phạm nhân là người dưới 18 tuổi;

c) Phạm nhân là người nước ngoài;

d) Phạm nhân là người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;

đ) Phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của tòa án;

e) Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam;

g) Phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân.

Cạnh đó, phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính có thể được giam giữ riêng.

Như vậy, so với Luật Thi hành án hình sự 2010, Luật Thi hành án hình sự 2019 đã bổ sung thêm hai đối tượng được giam giữ riêng là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính và phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam.

Cấm đánh đập, hành hạ vật nuôi

Luật Chăn nuôi 2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020 đã quy định về việc đối xử nhân đạo với vật nuôi.

Cụ thể đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải thực hiện các yêu cầu:

1. Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi;

2. Cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh;

3. Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y;

4. Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.

Trong vận chuyển vật nuôi phải:

- Sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi;

- Cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi;

- Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.

Cạnh đó cơ sở giết mổ vật nuôi phải có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi. Đồng thời không đánh đập, hành hạ vật nuôi; có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm