Theo ông Nhân, qua thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam cũng như hoạt động của MTTQ, rút ra bài học đầu tiên là nội dung, phương thức phát huy sức mạnh đại đoàn kết phải được thường xuyên hoàn thiện, bổ sung phù hợp với nhu cầu và điều kiện phát triển đất nước qua các giai đoạn. Như trước nạn đói năm 1945, ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi góp gạo, nhịn một bữa ăn để cứu đói. Chỉnh phủ non trẻ đã tổ chức tuần lễ vàng để nhân dân, đặc biệt là các doanh nhân, thương gia, nhà tư sản ủng hộ ngân khố quốc gia… Đây có thể coi là phương thức “chung tay” của đại đoàn kết.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày tham luận "Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh". Ảnh: TTXVN
Trong tình hình hiện nay, nhu cầu cuộc sống cơ sở đòi hỏi phải bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự, an ninh, trao đổi kinh nghiệm sản xuất thì MTTQ vận động “học tập và làm theo các điển hình tiên tiến”. Đây có thể coi là phương thức “cùng làm” của đại đoàn kết. Rồi có nhiều công việc xã hội lớn mà không thể chỉ dựa vào lực lượng chính quyền cơ sở. Như việc rà soát thực hiện chính sách ưu đãi với hơn 2 triệu người có công trong cả nước thì MTTQ và các tổ chức thành viên như cựu chiến binh, phụ nữ… đã phối hợp với chính quyền triển khai. Đây có thể coi là phương thức “liên kết” giữa MTTQ với cơ quan quản lý nhà nước, mà nhờ đó làm được những việc tưởng chừng như không thể…
Như để MTTQ làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong sứ mạng xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ngoài việc MTTQ phải tự hoàn thiện chính mình, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với MTTQ và các tổ chức thành viên. Điều này cũng được nói rõ trong báo cáo chính trị tại Đại hội: “Quy định rõ hơn Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.
Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. (Trích Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội XII) |