Ngày 23-10, Ban tổ chức Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2019 - lần 2 đã họp báo để thông tin cơ bản về diễn đàn này. Theo đó, diễn đàn này sẽ chính thức tổ chức vào đầu tháng 12-2019.
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đã nói khái quát về tình hình phát triển du lịch Việt Nam cho đến nay và đề cập đến những giải pháp để phát triển du lịch bền vững. Chẳng hạn như việc cần thiết phải có văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, huy động các nguồn lực, các hãng hàng không, các cơ quan ngoại giao “vào cuộc” để quảng bá du lịch.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương.
Cùng với đó là các biện pháp “kỹ thuật” về thủ tục xuất nhập cảnh, tăng thị thực điện tử hay cấp visa ngay tại cửa khẩu như nhiều nước áp dụng. Biện pháp miễn visa đơn phương cũng được nhắc đến và được đề nghị áp dụng cho các thị trường trọng điểm về du lịch Việt Nam như Hàn Quốc, Tây Âu, Bắc Âu…
Bà Hương cũng đề cập đến việc kết nối hàng không, hạ tầng, tăng các đường bay, đầu tư cảng du lịch… và nâng cao chất lượng nhân sự cho ngành du lịch.
Còn theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia, ông có một ước mơ suốt 25 năm nay về du lịch, đó là cần có một văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.
Với sự phát triển và đóng góp ngày càng tăng của ngành du lịch vào GDP của Việt Nam cho đến nay, ông Kiên nói cần phải có chiến lược về “bầu trời mở ASEAN” để Việt Nam có thể kết nối với các nước tiểu vùng sông Mekong và khu vực. Việt Nam đang có nhiều lợi thế để thu hút du lịch như ổn định, an toàn, cảnh quan hấp dẫn và chi phí rẻ.
Ông Trần Trọng Kiên (trái), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia.
Ông Kiên cho rằng du lịch đã đi trước, vượt xa hơn nhiều so với kỳ vọng Chính phủ đã đặt ra trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020. Tuy vậy, du lịch Việt Nam cần có cải thiện hơn để nâng cao chất lượng. Trích dẫn báo cáo của World Bank về du lịch Việt Nam, ông Kiên nói du khách nước ngoài quan tâm đến việc “có bị lừa dối” hay không khi trả tiền cho các dịch vụ tại Việt Nam, hoặc những vấn đề về môi trường như xả rác chẳng hạn.
PLO đặt vấn đề xem quy định “người phụ trách kinh doanh các công ty lữ hành nội địa, quốc tế như chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc… phải có bằng cấp cao đẳng chuyên ngành lữ hành” của Bộ VH-TT&DL đã được sửa đổi hay bãi bỏ hay chưa.
Bà Hương cho biết khi báo chí, xã hội lên tiếng về quy định này thì Bộ VH-TT&DL đã tiếp thu. Hiện nay, Thông tư 06/2017 đã được dự thảo sửa đổi và trình lên bộ trưởng Bộ VH-TT&DL. Vấn đề này là do Luật Du lịch quy định và các văn bản pháp luật chỉ triển khai nghiêm quy định này. Khi sửa Thông tư 06, Bộ VH-TT&DL cũng tham khảo ý kiến Bộ Tư pháp về việc muốn mở rộng thêm các đối tượng được làm du lịch thì phải thế nào.
Theo bà Hương, Thông tư 06 được dự kiến sửa đổi theo hướng mở rộng những ngành nghề được coi là đào tạo du lịch, lữ hành… để mở rộng đối tượng được làm du lịch. Có thể những người tốt nghiệp những ngành như Việt Nam học, Đông phương học… cũng được coi là đã được đào tạo, có chứng chỉ về du lịch, lữ hành.
Ông Trần Trọng Kiên tham gia ý kiến cho rằng nếu căn cứ vào các quy định như vậy thì chính ông cũng không đủ điều kiện làm du lịch, lữ hành. “Tôi chỉ có bằng y dược, bác sĩ… trong khi tôi đã làm du lịch 25 năm nay. Nếu quy định như vậy, tôi cũng không được làm du lịch” - ông Kiên nói.
Sau khi đề cập vấn đề này, ông Kiên cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải làm sao quảng bá được du lịch Việt Nam rộng rãi ra thế giới. “Kinh nghiệm 25 năm làm du lịch của tôi thì cách quảng bá tốt nhất là làm sao để du khách có trải nghiệm tốt nhất tại Việt Nam. Trải nghiệm tốt sẽ lan tỏa mạnh mẽ” - ông Kiên nói.