Phát biểu tại Hội nghị báo cáo lần thứ ba - kỳ cuối lấy ý kiến chuyên gia góp ý Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 vào sáng 28-12, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh không để quy hoạch TP chậm trễ.
Mô hình đa trung tâm đã có từ lâu
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đặt vấn đề: “Hôm nay, chúng ta tiến thêm bước nữa trong hoàn thiện về mô hình phát triển đô thị đa trung tâm. Chúng ta cần xem thành phần của các đô thị đa trung tâm này, các điều kiện để kết nối, phát huy, các đặc điểm cần khắc phục. Tại sao thời gian qua chúng ta đã có ý tưởng này rồi nhưng không thực hiện được mà vẫn là vết dầu loang?”.
Ông Mãi cũng đề nghị tư vấn làm rõ và báo cáo rõ, đồng thời xin ý kiến hội nghị phân tích sâu các ý kiến về mô hình đô thị đa trung tâm.
Trước đây, năm 2009, trong dự thảo báo cáo về phát triển đô thị TP.HCM của Sở Xây dựng thì TP sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa tâm với trung tâm TP và các hướng đông bắc, nam - đông nam, bắc - tây bắc, tây nam. Năm 2020, khi làm điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025, ý tưởng TP.HCM phát triển theo mô hình đa cực đã có với trung tâm là lõi TP và phát triển theo các cực đông, nam, tây, bắc.
Đến nay, liên danh tư vấn gồm Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, Viện Quy hoạch miền Nam, Công ty TNHH Không Gian Xanh và Công ty EnCity cho biết quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm TP với năm vùng đô thị. Cụ thể là trung tâm chính là vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, TP Thủ Đức với khu Trường Thọ - Rạch Chiếc, TP phía nam với trung tâm Phú Mỹ Hưng mở rộng về phía nam, TP phía tây với trung tâm là khu vực Tân Kiên (huyện Bình Chánh), TP phía bắc với trung tâm là khu vực giao giữa đường vành đai 3 và Quốc lộ 22 đến đường cao tốc Mộc Bài - TP.HCM.
Đây là quy hoạch chung TP nên phải đáp ứng những vấn đề như dự báo, tầm nhìn chiến lược cho 20 năm, 40 năm sau
Rút kinh nghiệm từ việc chậm trễ quy hoạch TP Thủ Đức
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu ngay sau hội nghị này, tư vấn và Sở QH-KT TP cần ngồi lại, tổ chức các cuộc tiếp xúc, trao đổi sâu, có cả các chuyên gia để thảo luận những vấn đề liên quan.
“Làm sao để từ ngày 10-1-2024 đến 15-1-2024 chúng ta sẽ có quy hoạch để chuẩn bị báo cáo cho Thành ủy TP.HCM, HĐND TP.HCM vào khoảng ngày 20-1-2024. Chúng ta phải rút kinh nghiệm từ quy hoạch chung TP Thủ Đức. Lẽ ra quy hoạch chung TP Thủ Đức phải phê duyệt hồi tháng 12-2022 nhưng đến bây giờ vẫn chưa xong phần giải trình. Việc này đã trễ một năm và còn trễ nữa. Chúng ta không thể để bài học này lặp lại với quy hoạch chung TP.HCM” - ông Mãi nhấn mạnh.
Vì vậy, theo ông Mãi, ngay từ bây giờ trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, TP phải làm hết sức chặt chẽ từ căn cứ pháp lý, cơ sở chính trị, kết quả rà soát quy hoạch hiện hữu và đề xuất… tất cả luận chứng phải chặt chẽ.
Hai cụm đô thị quan trọng trong quy hoạch chung TP.HCM là TP Thủ Đức và khu trung tâm TP, phải làm thế nào để hai nơi này là hai đầu tàu của TP kéo các khu đô thị khác đi theo. Những đô thị vệ tinh khác như Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi… phải có thu nhập kinh tế thế nào để phát triển, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách. Một vấn đề nữa là cần làm ngay các giải pháp xanh vì chúng ta giả định khi dân số TP tăng đến 20 triệu dân, với chỉ tiêu 10 m2 cây xanh/đầu người thì quy hoạch cần xác định ngay từ bây giờ là 200 triệu m2 không gian xanh này sẽ nằm ở đâu.
TS khoa học - kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN
Nói về mục tiêu của quy hoạch lần này, bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch, Bộ Xây dựng, phân tích: “Chúng ta đã đi đến những bước cuối cùng làm quy hoạch chung TP.HCM, đây là chặng đường rất quan trọng làm cơ sở để trình Bộ Xây dựng. Đây là điều chỉnh quy hoạch chung nên chúng ta phải đáp ứng những vấn đề như dự báo, tầm nhìn chiến lược cho 20 năm và 40 năm sau”.
Theo bà Hằng, dù làm quy hoạch chung tương lai nhưng TP.HCM phải giải quyết các tồn tại thực tiễn, các điểm nghẽn của TP trong thời gian qua như vấn đề sử dụng đất và dân cư, hạ tầng, giao thông, ngập lụt…
“Chúng tôi đề nghị quy hoạch phải đảm bảo chứng minh rõ các vấn đề được nêu trong báo cáo như chứng minh về dự báo, phân vùng đô thị, hạ tầng kỹ thuật, sử dụng đất… và đánh giá hiện trạng thực hiện” - bà Hằng nói.
Nêu quan điểm, PGS-TS Trần Trọng Hanh, chuyên gia đô thị, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho rằng TP.HCM muốn thành TP toàn cầu thì cần giải thích rõ các khái niệm TP toàn cầu, tiêu chí đô thị, quy mô dân số ra sao…
“Các chức năng của TP toàn cầu như chức năng về chính trị, văn hóa, kinh tế, tài chính… là TP có thể tổ chức các sự kiện lớn, phải có những doanh nghiệp xuyên quốc gia tại đây và phải có bản sắc riêng. Nếu không đạt được các tiêu chí đó thì chúng ta chỉ đang hô khẩu hiệu mà thôi” - ông Hanh thẳng thắn nói.•
Mục tiêu phát triển TP.HCM đến năm 2060
Theo báo cáo lần thứ ba - kỳ cuối lấy ý kiến chuyên gia góp ý Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 thì TP.HCM sẽ phát triển thành TP hợp lưu, năng động, hội tụ, lan tỏa và TP toàn cầu (global city).
Một TP đầy sức sống, nơi thiên nhiên, cơ hội và tiện ích lan tỏa đến từng không gian sống trong bán kính 15-20 phút di chuyển. Nơi doanh nghiệp, doanh nhân và du khách có thể kết nối từ cảng biển, sân bay đến rừng ngập mặn trong vòng 15-20 phút.
TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng sống cao; là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.