4 lưu ý khi làm quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040

(PLO)- Theo lãnh đạo TP.HCM, để hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 thì các cơ quan liên quan cần lưu ý về không gian phát triển, không gian ngầm, tầng cao và về đất nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 5-10, Sở QH-KT TP.HCM đã chính thức mở thầu gói thầu lựa chọn nhà thầu dự án lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Các lưu ý khi lập đồ án quy hoạch

“Trước khi được Thủ tướng phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung thì TP trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI cũng đã có hàng loạt đề án phát triển các ngành, các lĩnh vực và phát triển không gian đô thị, phải có trên 50 đề án như vậy” - ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu trong buổi trao giải bình chọn “Ý tưởng quy hoạch chung TP.HCM” vào sáng 5-10.

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 hướng tới không gian phát triển, không gian ngầm, tầng cao và về đất nông nghiệp. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 hướng tới không gian phát triển, không gian ngầm, tầng cao và về đất nông nghiệp. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Theo ông Hoan, cùng với việc theo đuổi thực hiện các đồ án trên, TP cũng tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để hình thành quy hoạch chung. Tất cả công việc đó nhằm củng cố cơ sở, lý luận khoa học, thực tiễn… để thực hiện định hướng phát triển trong thời gian sắp tới, làm cho đồ án quy hoạch chung ngày càng rõ ra.

“Chúng ta chuẩn bị bước vào giai đoạn mới, TP đang chuẩn bị tích cực, khẩn trương để có thể cuối quý III-2023 hoàn tất cơ bản đồ án quy hoạch chung xây dựng TP.HCM, trên cơ sở đó để quý IV hoàn thiện cơ sở pháp lý trình Thủ tướng phê duyệt” - ông Hoan thông tin.

Để thực hiện công tác quy hoạch, ông Hoan lưu ý các vấn đề sau. Thứ nhất, đồ án quy hoạch chung phải có những không gian phát triển như đô thị thông minh, trung tâm tài chính, đô thị lấn biển, các định hướng theo yêu cầu mới như logistics, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái…

Nếu phát triển các đô thị mới, cần phải định hướng thành những khu đô thị kiểu mẫu quy mô lớn để bổ sung khiếm khuyết của đô thị hiện nay như việc thiếu chiều cao và chiều sâu. Quy hoạch lần này phải hướng đến lợi ích của người dân, làm sao để người dân đều hưởng lợi từ quy hoạch chứ không phải bị khó khăn trong quá trình phát triển quy hoạch.

Thứ hai, quan tâm đến không gian ngầm. Để phát triển không gian ngầm, TP.HCM cần nghiên cứu, mở rộng, không chỉ phục vụ cho nội đô mà còn kết nối từ trung tâm TP này đi ra các huyện giáp ranh và trục dọc với các tỉnh.

Thứ ba, cần có tiêu chí mới để đầu tư phát triển hạ tầng trên cao. Các trục có thể nghiên cứu hạ tầng trên cao như xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng hay Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh hoặc trục Cách Mạng Tháng Tám, đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè…

“Không gian phát triển phải rộng mở, tránh tư duy những năm trước chỉ phát triển ở trung tâm và dàn hàng ngang, chúng ta chưa phát triển tầm cao và chưa đi sâu bên trong lòng đất” - ông Hoan góp ý.

Cuối cùng, ông Hoan lưu ý: Về quy hoạch thì phải dành đất để phát triển nông nghiệp, nông nghiệp theo hướng sinh thái, nhà vườn. Làm sao ở những khu nông nghiệp đó, người dân được gia tăng giá trị và làm nông nghiệp vẫn có giá trị như các ngành khác.

Theo ông Hoan, cùng với việc theo đuổi thực hiện các đồ án trên, TP cũng tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để hình thành quy hoạch chung.

TP.HCM nên là TP mở

Trao đổi với PV, ThS - kiến trúc sư Ngô Anh Vũ, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM, cho biết khi rà soát đồ án quy hoạch TP từ năm 2010 đến nay thì có nhiều vấn đề. Trong đó, nổi bật nhất là đồ án cũ chỉ gói gọn trong ranh hành chính (2.000 km2).

“Hiện tại chúng tôi đặt ra phương án là TP mở, tức là mở ra nhiều vấn đề. Mở kết nối, TP.HCM sẽ là trung tâm vùng, mở nhiều hướng liên kết hơn. Ngoài ra, thay vì chỉ mặt bằng đường bộ, chúng ta sẽ mở hết khả năng tiếp cận không gian khác như không gian ngầm, sông, biển, không gian trên cao… để có dư địa phát triển” - ông Vũ nói.

Về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, ông Vũ cho biết Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM được Sở QH-KT TP giao giữ vai trò giúp sở và TP trong công tác thúc đẩy nhanh, đồng thời cùng với tư vấn trúng thầu (gói thầu lựa chọn nhà thầu dự án lập đồ án) để cùng xem đồ án có đáp ứng yêu cầu của TP không, cần bổ sung gì không…

“Quy hoạch phải làm sao để khơi thông được nguồn lực, việc tiếp thu ý kiến của người dân về quy hoạch cũng rất quan trọng. Chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP và hứa sẽ làm tốt nhất công tác quy hoạch này” - ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM, khẳng định.•

Trao giải cho cuộc bình chọn “Ý tưởng quy hoạch chung TP.HCM”

Sáng 5-10, Sở QH-KT TP.HCM đã trao giải cuộc bình chọn “Ý tưởng quy hoạch chung TP.HCM”, cuộc bình chọn được khởi động từ ngày 30-9-2021.

Kết thúc cuộc thi, Sở QH-KT TP đã trao giải nhì (không có giải nhất) cho Liên danh Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia, Viện Quy hoạch xây dựng, Công ty cổ phần enCity Việt Nam. Giải này có nội dung: TP.HCM sẽ mở thêm kết nối, phát huy vai trò đô thị trung tâm để dẫn dắt và phát triển nền kinh tế vùng.

Liên danh Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam - Viện Hàn lâm kiến trúc Pháp - Việt đoạt giải ba. Nội dung ý tưởng: TP.HCM sẽ mở ra các vùng cảnh quan đặc trưng để gia tăng chất lượng sống, làm đậm bản sắc đô thị và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng thực nghiệm kiến trúc và xây dựng thuộc Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đoạt giải khuyến khích. Nội dung ý tưởng: TP.HCM sẽ là đô thị sáng tạo, cởi mở với mọi ý tưởng, mọi cơ hội phát triển và là điểm đến cho mọi người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm