Quy hoạch điện VIII: Phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo

(PLO)- Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) vừa chính thức được Chính phủ phê duyệt. Đây là quy hoạch đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch ngành quốc gia.

Đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia

Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước. Từ đó đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030; 6,5%-7,5%/năm giai đoạn 2031-2050.

Theo quy hoạch, để phát triển nguồn điện và lưới điện, giai đoạn 2021-2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỉ USD và tăng lên 399,2-523,1 tỉ USD cho giai đoạn 2031-2050. Trong đó, đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4-511,2 tỉ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8-38,6 tỉ USD sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.

Quy hoạch đặt mục tiêu kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn vào năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050. Kết quả này nhằm hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 theo cam kết JETP (tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng).

Đáng chú ý, quy hoạch đặt mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng theo hướng phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5%-71,5%. Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu.

Quy hoạch cũng đầu tư phát triển các nguồn điện linh hoạt để điều hòa phụ tải, duy trì ổn định hệ thống điện để hấp thụ nguồn điện năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Bên cạnh đó, quy hoạch cũng đặt mục tiêu phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000-10.000 MW.

Về phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo, dự kiến đến năm 2030, hình thành hai trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng. Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi.

Nhiều khó khăn, thách thức

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và phát triển xanh, nhận định thời gian qua, các dự án điện gió, điện mặt trời được xây dựng, triển khai có công suất rất lớn. Tuy nhiên, thực tế thống kê điện năng phát thực sự của các nguồn này tính ổn định không cao, phụ thuộc nhiều yếu tố.

Định hướng của Chính phủ về xây dựng Quy hoạch điện VIII là cố gắng làm sao để các dự án điện tái tạo phải gần các trung tâm phụ tải. Nghĩa là các địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận luôn mong muốn trở thành trung tâm điện tái tạo nhưng thách thức là phụ tải của các khu vực này không được cao, buộc phải truyền tải ra ngoài.

Trường hợp truyền tải ra ngoài sẽ vướng đến câu chuyện xây dựng truyền tải đủ công suất, khi đủ công suất lại vướng giải phóng mặt bằng… “Theo đó, ngành điện cũng rất “đau đầu” khi tuân thủ các quy định liên quan đến bồi thường, tài chính để xây dựng các tuyến đường dây liên miền để giải tỏa công suất. Đây là những thách thức trong thời gian tới” - TS Sơn phân tích.

Trong Quy hoạch điện VIII, điện mặt trời được ưu tiên phát triển. Ảnh: EVNHANOI

Trong Quy hoạch điện VIII, điện mặt trời được ưu tiên phát triển. Ảnh: EVNHANOI

Theo ông Sơn, trong Quy hoạch điện VIII, các giải pháp đã được giảm thiểu nhất có thể trong việc xây dựng tuyến truyền tải liên miền. Lúc này, chúng ta tập trung xây dựng đường dây 220 kV trong cùng khu vực để phụ tải đáp ứng đa phần bằng năng lượng tái tạo.

Một xu hướng mới là các các doanh nghiệp, họ cũng mong muốn được cung ứng bằng năng lượng tái tạo. Đặc biệt là doanh nghiệp FDI và tiến tới sử dụng năng lượng tái tạo 100% (cả trực tiếp và phát thải ra môi trường). Đây cũng là yêu cầu bắt buộc trong thời gian tới.

EVN sẽ lập kế hoạch chi tiết để triển khai

Nhận định về vai trò, ý nghĩa của Quy hoạch điện VIII, TS Hà Đăng Sơn cho rằng nếu không có quy hoạch điện sẽ là thách thức rất lớn trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, giải tỏa công suất cho những dự án năng lượng tái tạo hiện nay.

“Theo đó, nếu không có quy hoạch điện phê duyệt, ngành điện sẽ không thể lên được kế hoạch đầu tư, phương án đầu tư triển khai do thiếu căn cứ pháp lý. Ngoài ra, từ quy hoạch này, ngành điện có thể giải quyết các khó khăn về giá, chính sách nhằm giải quyết công suất các dự án điện mặt trời, điện gió đang gặp khó và phát triển điện mặt trời áp mái” - TS Hà Đăng Sơn nói.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết EVN sẽ tiếp tục thực hiện những dự án nguồn điện mà Chính phủ phân công trong tổng sơ đồ trước đây. Đối với tổng sơ đồ VIII (Quy hoạch điện VIII - PV), chúng tôi chưa được nghiên cứu chi tiết nội dung mà Chính phủ ban hành.

“Tuy nhiên, EVN sẽ có trách nhiệm đầu tư, xây dựng đường dây truyền tải và phân phối điện để giải tỏa công suất của các nguồn điện, lưới điện sắp được triển khai của tổng sơ đồ VIII. Với trách nhiệm của mình, EVN sẽ lập kế hoạch chi tiết để triển khai công tác đầu tư xây dựng theo trách nhiệm của tập đoàn” - ông Lâm cho hay.•

Đòi hỏi nỗ lực lớn để thực hiện

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, Chủ tịch HĐKH Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, đánh giá Quy hoạch điện VIII được phê duyệt có ý nghĩa quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Quy hoạch lần này được xây dựng rất kỹ, cẩn thận, theo hướng năng lượng tái tạo được ưu tiên phát triển; giảm dần nhiệt điện than, có các giải pháp thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Hiến, để thực hiện được mục tiêu nâng tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5%-71,5% vào năm 2050 không đơn giản, sẽ gặp rất nhiều thách thức, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực rất lớn. Điển hình, vốn đầu tư quá lớn trong khi nước ta vẫn còn nghèo thì đòi hỏi ngành chức năng cần có sự tính toán thận trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm