Rà soát tính pháp lý trong việc giao đất dự án khu đô thị Dầu Giây

(PLO)- Nếu dự án đúng pháp lý thì phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-5, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai do ông Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND huyện Thống Nhất và các sở ngành tỉnh Đồng Nai.

Nội dung buổi làm việc để giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong xây dựng dự án Khu dân cư A1 - C1 (hay còn gọi khu đô thị Dầu Giây) huyện Thống Nhất do Công ty TNHH Đầu tư Phú Việt Tín làm chủ đầu tư.

Yêu cầu báo cáo rõ về việc giao đất

Bắt đầu buổi làm việc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu về mục đích của việc giám sát nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chủ đầu tư thực hiện dự án và những người mua chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng, chuyển nhượng.

Ông Đặng Minh Đức - Giám đốc Sở TN&NT Đồng Nai (đứng) báo cáo trước đoàn giám sát. Ảnh: VH.

Ông Đặng Minh Đức - Giám đốc Sở TN&NT Đồng Nai (đứng) báo cáo trước đoàn giám sát. Ảnh: VH.

Đặc biệt, đoàn giám sát cần nghe các sở ngành, UBND huyện Thống Nhất, UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo về tính pháp lý thực hiện dự án.

"Cần báo cáo rõ việc giao đất, đây là vấn đề cốt lõi để định đây là đất công hay đất sở hữu tư nhân, hình thức giao đất là qua đấu thầu hay nhà nước giao đất rồi thu tiền sử dụng đất và quá trình giao đất thực hiện đúng quy định pháp luật hay không? Nếu trường hợp phải đấu thầu hoặc đấu giá thì đã đấu giá chưa, còn trường hợp không phải đấu thầu, đấu giá mà giao đất thu tiền sử dụng thì áp dụng tiền thu đúng chưa?" - ông Quản Minh Cường yêu cầu.

Ngoài ra, ông Cường cầu cơ quan chức năng thông tin về việc chủ đầu tư thực hiện dự án đã thực hiện nghĩa vụ tài chính, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã đúng quy định pháp luật chưa, dự án có phù hợp quy hoạch, cấp phép xây dựng, thiết kế, quy hoạch cấp thoát nước hạ tầng… hay không.

Ông Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai (đứng) kết luận buổi làm việc tại UBND huyện Thống Nhất. Ảnh: VH.

Ông Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai (đứng) kết luận buổi làm việc tại UBND huyện Thống Nhất. Ảnh: VH.

Việc giám sát dự án này cũng là giám sát điển hình một vụ cụ thể để làm mẫu cho 1.600 dự án nữa trên toàn tỉnh đang vướng mắc. Hiện có khoảng 50 dự án đang triển khai xây dựng, vốn đọng trong đó rất lớn, lãng phí đất đai rất lớn.

Dự án chỉ cơ bản hoàn chỉnh hạ tầng giai đoạn 3

Báo cáo đoàn, lãnh đạo UBND huyện Thống Nhất cho biết, năm 2009, UBND tỉnh Đồng Nai có công văn về việc thỏa thuận cho công ty Cổ phần Phú Việt Tín lập thủ tục đầu tư Khu dân cư A1 – C1 theo quy hoạch, diện tích thực hiện dự án hơn 96 ha chia làm 4 giai đoạn.

Dự án có nguồn gốc đất cao su thuộc khu vực quản lý của Nông trường Cao su An Lộc (trước đây là Nông trường Dầu Giây).

Năm 2011 UBND tỉnh Đồng Nai cho phép công ty TNHH Đầu tư Phú Việt Tín thực hiện dự án. Đến năm 2013 UBND tỉnh có có quyết định giao đất cho công ty Cổ phần Phú Việt Tín.

Trải qua 11 năm, dự án cơ bản hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giai đoạn 1, 2 và 3 tổng diện tích khoảng 53ha, còn lại 43,2ha công ty chưa triển khai do công ty chưa được tỉnh Đồng Nai gia hạn điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Việc này dẫn đến vướng mắc chưa thể thực hiện một số hạng mục như công trình hạ tầng xã hội, đất xây dựng nhà xã hội, trung tâm thương mại….

Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai xuống khảo sát thực tế. Ảnh: VH.

Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai xuống khảo sát thực tế. Ảnh: VH.

Nếu dự án đảm bảo pháp lý phải tạo điều kiện tối đa

Sau khi nghe báo cáo của các sở ngành, địa phương, ông Cường kết luận buổi làm việc đề nghị làm rõ tính pháp lý trong việc giao đất, giao thu tiền sử dụng đất hay đấu giá đấu thầu.

"Làm rõ tính pháp lý của công ty - chủ đầu tư khi quyết định đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ hay UBND tỉnh giao đất, giữa công ty cao su với cá nhân thành lập công ty và các lần đổi tên, chuyển nhượng pháp nhân có hợp pháp hay không?

Đất hoàn toàn đất công, khi Nhà nước góp gần 100 ha đất cao su thì Tổng công ty cao su thu được về cái gì? Lợi nhuận bao nhiêu...?" - ông Cường đặt câu hỏi và yêu cầu công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra trong thời gian một tháng rồi gửi trả lời bằng văn bản về Đoàn giám sát.

Ngoài ra, Sở TNMT, Sở KHĐT phải xác định nếu việc giao đất là đúng quy định thì cần hoàn thiện thủ tục xây dựng. Nếu dự án đúng pháp lý thì phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện.

Cũng trong buổi làm việc, Đoàn giám sát yêu cầu cơ quan chức năng xử lý những khiếu nại phản ánh của người dân về việc xử lý nước thải của dự án đang bị vướng mắc.

Đoàn cũng đã đi khảo sát thực tế dự án và tiếp tục làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai trong buổi chiều.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm