Quy hoạch Quảng Nam đến năm 2030.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam: Sáp nhập huyện Núi Thành vào TP Tam Kỳ

(PLO)- Quy hoạch tỉnh Quảng Nam với cấu trúc hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển. 

Tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức buổi họp báo thông tin về hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là quy hoạch tỉnh Quảng Nam). Dự kiến, hội nghị sẽ tổ chức vào ngày 16-3.

Hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quan điểm, mục tiêu là chủ động kiến tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam cũng đưa mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung chủ yếu ở Hội An. Ảnh: TN
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam cũng đưa mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung chủ yếu ở Hội An. Ảnh: TN

Quy hoạch kết hợp nội lực với ngoại lực, phấn đấu một số ngành, lĩnh vực thuộc nhóm dẫn đầu cả nước như: công nghiệp ô tô, cơ khí, dược liệu; đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào năm 2030.

Đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững. Phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng.

Để thực hiện được mục tiêu phát triển đến năm 2030, có 5 nhóm mục tiêu về: kinh tế; văn hóa - xã hội; môi trường, sinh thái; kết cấu hạ tầng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Trong đó, mục tiêu về kinh tế với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD. Mục tiêu về kết cấu hạ tầng, với đầu tư Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4F, Cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT.

Quy hoạch thể hiện không gian các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam, được làm rõ qua mô hình cấu trúc hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển. Mỗi không gian được định vị các lĩnh vực quan trọng có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực trong tương lai.

Hai vùng bao gồm vùng Đông và vùng Tây. Trong đó, vùng Đông là vùng động lực với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp. Tập trung các đô thị lớn, trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh.

Vùng Tây là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên. Phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia, với Sâm Ngọc Linh là sản phẩm chủ lực để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tự nhiên. Kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thuỷ điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới.

quy-hoach-tinh-Quang-Nam-6.jpg
Quy hoạch kết hợp nội lực với ngoại lực, phấn đấu một số ngành, lĩnh vực thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, trong đó có công nghiệp ô tô. Ảnh: TN

Cụm động lực Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc là cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh, kết nối với các không gian kinh tế của thành phố Đà Nẵng. Còn cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh kết nối các không gian kinh tế của ba đơn vị hành chính này thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistic cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục - đào tạo, đô thị thông minh. Trong đó sáp nhập huyện Núi Thành với TP Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I.

Liên kết mạnh mẽ với các địa phương lân cận

Để hiện thực hoá các quan điểm, mục tiêu phát triển của Quy hoạch tỉnh Quảng Nam, tỉnh này đặt ra nhiều giải pháp cụ thể.

Theo đó, tỉnh sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên bốn trụ cột chính là du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp năng lượng; thương mại, dịch vụ logistics và nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công; thu hút các nhà đầu tư chiến lược có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm.

Đồng thời xây dựng cơ chế chính sách đột phá để thu hút nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tăng cường kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và doanh nghiệp.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh hợp tác liên tỉnh với các địa phương lân cận, trong vùng và cả nước trong công tác bảo vệ môi trường; Liên kết với TP Đà Nẵng, liên kết giữa Khu kinh tế mở Chu Lai với Khu kinh tế Dung Quất để hình thành Trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm….

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho hay tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch để cụ thể hoá các mục tiêu trong quy hoạch tỉnh. Đối với khu vực phía Đông, những khu vực có khả năng kích hoạt phát triển, tạo nguồn thu lớn, tạo công ăn việc làm… thì sẽ ưu tiên trước.

Quy-hoach-tinh-Quang-Nam-1.JPG
Ông Lê Trí Thanh khẳng định sẽ không vội vàng lấp đầy quy hoạch tỉnh Quảng Nam.

Đáng chú ý, quy hoạch xác định năng lực cạnh tranh của cảng hàng không Chu Lai trong phát triển hàng hoá. Tỉnh sẽ từng bước, trước mắt là đến năm 2030 sẽ thông qua đề án về kêu gọi đầu tư tư nhân tham gia đầu tư phát triển sân bay. Khi hoàn thành, có thể gọi Quảng Nam có hai sân bay quốc tế (cùng với sân bay Đà Nẵng) cách nhau khoảng 100km.

Đọc thêm