Đúng 8 giờ 30, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tổ chức phiên họp lần ba để bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.
Trả lời báo chí trước phiên họp, ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết hai phiên họp lần trước mức tăng lương tối thiểu vùng vẫn chưa thể "chốt" được do khoảng cách đề xuất giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động vẫn còn khoảng cách. Nhưng phiên họp lần ba hy vọng các bên sẽ tìm được tiếng nói chung.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, việc xác định mức sống tối thiểu cần dựa trên nhu cầu lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm. Hai bên đều có phương án tính toán về mức sống tối thiểu riêng của mình.
“Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu là vấn đề chung của các quốc gia. Ngay cả ở châu Mỹ, lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu” - ông Doãn Mậu Diệp nói.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp trả lời báo chí về các phương án tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh: VIẾT LONG
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết đơn vị đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 5%. Thực tế đề xuất này đã vượt khả năng chi trả của doanh nghiệp, đặc biệt cần phải tạo “dư địa” cho doanh nghiệp có cơ sở phát triển bền vững và cạnh tranh. "Việc tăng lương tối thiểu vừa giúp tăng mức sống của NLĐ nhưng cũng phải đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt là sự hài hòa giữa hai bên" - ông Hoàng Quang Phòng nói.
Cũng theo ông Phòng, qua bảy tháng đầu năm 2017, hơn 73.000 doanh nghiệp được thành lập mới và cũng có 50.000 doanh nghiệp giải thể hoặc tạm dừng hoạt động. Như vậy tính trung bình cứ ba doanh nghiệp thành lập mới thì có hai doanh nghiệp giải thể. Chúng tôi không muốn câu chuyện này tái diễn và gia tăng.
Ông Hoàng Quang Phòng trong vòng vây của báo chí. Ảnh: VIẾT LONG
Ông Phòng cho rằng ngay cả khi lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu thì điều kiện sống của NLĐ chưa chắc đã tăng vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. “Mức sống của NLĐ không chỉ có lương tối thiểu mà còn dựa vào các yếu tố khác nữa. Thực tế lương tối thiểu mới đáp ứng được 90% mức sống tối thiểu. Chúng tôi mong muốn NLĐ phải phấn đấu hơn trong công việc, nâng cao trình độ tay nghề, kỷ luật và năng suất lao động. Qua đó có thêm tiền thưởng về năng suất lao động, thưởng cải tiến kỹ thuật, chế độ phúc lợi xã hội khác mà chủ doanh nghiệp mang lại. Chỉ có sự cố gắng của hai bên thì mức sống của NLĐ mới có thể tăng lên được..." - ông Phòng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phòng, trong tuần qua, VCCI có khảo sát nhanh các hiệp hội, tuy nhiên quan điểm của đa số là giữ nguyên không tăng. Đây là điều có tác động lớn tới quyết định của VCCI trước khi vào họp. "Chúng tôi đã động viên các doanh nghiệp cần chia sẻ với NLĐ trong điều kiện hiện nay. Vì vậy, chúng tôi khẳng định không thể không tăng nhưng tăng mức nào thì cần đàm phán cụ thể..." - ông Phòng nói.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định sẽ không nhượng bộ. Ảnh: VIẾT LONG
Trong khi đó, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng đơn vị đã chấp nhận giảm mức đề xuất tăng lương từ 13,3% xuống còn 8%. Đây đã là sự nhượng bộ rất nhiều. Tới buổi họp hôm nay, chúng tôi vẫn giữ quan điểm đề xuất mức tăng 8% như phiên họp lần hai. Nếu thấp nhất, mức đề xuất sẽ không thấp hơn mức của năm 2016 cho năm 2017 (tăng 7,3% so với năm 2016).
Tiếp tục bàn ba phương án tăng lương Trong ngày, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đưa ra ba phương án mới. Theo đó, mức điều chỉnh năm 2018 thấp nhất là 5% và cao nhất là 8% theo các phương án sau: Phương án 1, tăng mức lương tối thiểu 130.000-180.000 đồng, tương đương 4,8%-5,2% (bình quân 5%). Phương án 2, tăng mức lương tối thiểu 160.000-220.000 đồng, tương đương 5,9%-6,2% (bình quân 6%). Phương án 3, tăng mức lương tối thiểu 180.000-250.000 đồng, tương đương 6,6%-7% (bình quân 6,8%, bằng mức điều chỉnh phương án 1 và cải thiện thêm 1,8% theo mức đóng góp tối đa của lao động vào GDP). |