Cần tăng lương vì người lao động quá khổ

Điểm tích cực của phiên họp thứ hai theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia là hai bên đã xích lại được gần nhau: "Nếu như phiên họp thứ nhất mức đề xuất tăng lương của hai bên cách nhau 8%, thì sau phiên họp thứ hai khoảng cách đã thu hẹp xuống 1/3... Tuy nhiên hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, vì vậy cần phải chờ phiên họp thứ 3 tới đây để đưa ra quyết định cuối cùng về tăng lương tối thiểu vùng"- ông Diệp thông tin.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp trong vòng vây của báo chí khi vừa bước ra khỏi phòng họp. Ảnh: VIẾT LONG

Như vậy, cả VCCI và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ có một tuần để có những trao đổi và đưa ra mức đề xuất tăng lương của mình theo hướng đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người lao động và người sử dụng lao động: "Nếu phiên họp thứ ba hai bên thống nhất được một phương án thì đưa ra bỏ phiếu và nếu quá bán thì đó là phương án cuối cùng. Nếu không thống nhất được, hội đồng sẽ đưa ra hai phương án của chủ sử dụng lao động và người lao động, phương án nào đạt tỉ lệ ủng hộ cao hơn sẽ được lựa chọn. Chủ tịch Hội đồng tiền lương không đưa ra quyết định vì phải dựa vào nguyên tắc đồng thuận của các bên", ông Doãn Mậu Diệp nói.

Trước đó, tại phiên họp thứ nhất, Tổng Liên đoàn lao động Việt nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 từ 370.000 - 450.000 đồng, tương ứng với 13,3% so với mức lương tối thiểu năm 2017. VCCI  đưa ra mức đề xuất không tăng lương tối thiểu hoặc nếu tăng sẽ ở mức dưới 5 %. Tại phiên họp thứ hai, đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã hạ mức tăng lương xuống 8%. Ông Mai Đức Chính, phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết nếu tăng ở mức 5% thì coi như không tăng, đó mới chỉ bù trượt giá. Vì vậy đơn vị sẽ bảo vệ mức tăng của mình.

Những câu hỏi dồn dập của phóng viên sau phiên họp căng thẳng. Ảnh: VIẾT LONG

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì hiện nay cuộc sống của người lao động vô cùng khó khăn, chỉ có 51,3% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12,0% thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% người lao động là có thể có tích lũy từ thu nhập: "Vì vậy, không có lý gì mức tăng lương tối thiểu vùng thấp hơn năm 2017. Nếu điều đó xảy, công đoàn không bao giờ chấp nhận...", ông Chính nhấn mạnh.

 Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia: 4 phương án mới

Trong khi đó, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuất 4 phương án mới để các bên tham khảo. Theo đó, mức điều chỉnh năm 2018 thấp nhất là 5% và cao nhất là 8% theo các phương án sau:

Phương án 1, tăng mức lương tối thiểu từ 130.000 - 180.000 đồng, tương đương 4,8 - 5,2% (bình quân 5%).

Phương án 2, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 160.000 – 220.000 đồng, tương đương 5,9 - 6,2% (bình quân 6%).

Phương án 3, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 180.000 – 250.000 đồng, tương đương 6,6 - 7,0% (bình quân 6,8%, bằng mức điều chỉnh phương án 1 và cải thiện thêm 1,8% theo mức đóng góp tối đa của lao động vào GDP).

Phương án 4, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 220.000 – 280.000 đồng, tương đương 7,5 - 8,5% (bình quân 8,0%).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm