Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng tuyệt đối 370.000-450.000 đồng (13,3%). Còn đại diện cho giới chủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng doanh nghiệp đang phải cạnh tranh gay gắt, sản xuất thu hẹp nên đề xuất mức tăng dưới 5% là hợp lý.
Bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia (HĐTLQG) đưa ra ba mức, trong đó phương án thứ nhất là điều chỉnh bù mức tăng CPI (4%) và tăng thêm 1% theo mức tăng năng suất lao động. Cụ thể, điều chỉnh bù mức tăng CPI (4%) và tăng thêm 1% theo mức tăng năng suất lao động. Theo đó, lương tối thiểu 2018 tăng 130.000-180.000 đồng, trung bình là 5%.
Phương án thứ hai là điều chỉnh bù mức tăng CPI (4%) và tăng thêm 2% theo mức tăng năng suất lao động. Theo đó, lương tối thiểu năm 2018 tăng 160.000-220.000 đồng, trung bình là 6%.
Phương án ba, điều chỉnh bù mức tăng CPI (4%) và tăng thêm 2,8% theo mức tăng năng suất lao động. Như vậy lương tối thiểu 2018 tăng 180.000-250.000 đồng, trung bình là 6,8%.
Do các mức đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2018 còn chênh lệch nên tại phiên họp này chưa thống nhất được phương án.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch HĐTLQG Doãn Mậu Diệp giao bộ phận kỹ thuật HĐTLQG tổng hợp ý kiến của các bên. Đồng thời bổ sung các luận cứ cần thiết để trình hội đồng tiếp tục thảo luận trong phiên họp lần sau. Ngoài ra, đại diện người sử dụng lao động và người lao động cần xem xét để tại phiên họp lần thứ hai sẽ đàm phán, thương lượng, sớm thống nhất tìm ra được phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên để trình Thủ tướng.