Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2012 đang được lấy ý kiến góp ý có nhiều điểm mới so với bộ luật hiện hành như mức lương tối thiểu, thời giờ làm thêm, tuổi nghỉ hưu. Đặc biệt, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) của người lao động (NLĐ) được quy định khá tiến bộ vì một số tình huống họ nghỉ việc không cần lý do, không phải báo trước.
Phát lương chậm: Được nghỉ ngay
Điều 37 BLLĐ hiện hành quy định NLĐ làm việc theo HĐLĐ có xác định thời hạn, hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn trong một số trường hợp. Nhưng khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, NLĐ phải báo trước ba ngày hoặc 30 ngày (tùy từng trường hợp). Tức là khi NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ có xác định thời hạn thì phải đủ hai điều kiện là có lý do nghỉ việc và phải báo trước.
Để tạo cơ hội tìm kiếm việc làm tốt hơn cho NLĐ và để phòng ngừa, xóa bỏ lao động cưỡng bức, dự thảo đã quy định một số trường hợp NLĐ có quyền chấm dứt HĐLĐ không cần phải báo trước.
Cụ thể, khi NLĐ không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thống nhất giữa các bên. Khi NLĐ không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn như đã thống nhất giữa các bên. Hoặc NLĐ bị ngược đãi, quấy rối tình dục hoặc cưỡng bức lao động. Thứ tư là lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Tiến bộ và cần thiết
Theo TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM), đây là điểm mới tiến bộ bảo vệ tối đa quyền lợi của NLĐ, nhất là đối với nữ. Thực tế cho thấy trong mối quan hệ với người sử dụng lao động (NSDLĐ) thì NLĐ gặp khá nhiều khó khăn như trả lương chậm, bị ngược đãi, quấy rối tình dục. Lúc này NLĐ thường rất bức xúc nên không muốn làm việc nữa. Nhưng nếu họ tự ý nghỉ mà không báo trước là sẽ bị NSDLĐ khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường. Như vậy họ vừa thiệt thòi về tinh thần, vừa có thể bị tổn thất về mặt kinh tế và bị ảnh hưởng lớn đến cơ hội nghề nghiệp và rắc rối pháp lý trong tương lai. TS Tiến đánh giá: “Nếu quy định này được thông qua thì về lâu dài sẽ có tác dụng điều chỉnh ý thức của NSDLĐ, đòi hỏi họ phải nghiêm túc hơn trong mối quan hệ với NLĐ”.
Luật sư (LS) Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Thuận) cho rằng luật quy định liệt kê một số trường hợp NLĐ được đơn phương nghỉ việc không cần báo trước là hợp lý. Nó giúp NSDLĐ hiểu tách bạch từng tình huống cụ thể, không thể nhập nhằng trong cách đánh giá và cách hành xử. Chẳng hạn khi NLĐ bị xâm hại tình dục thì cách bảo vệ họ tốt nhất là phải được nghỉ làm việc ngay. Nếu vẫn phải làm việc thì trong thời gian chờ đợi theo luật họ có thể bị người đó dùng áp lực và điều kiện để xâm hại tiếp. Tương tự với trường hợp bị cưỡng bức lao động hoặc bị ngược đãi hoặc nữ lao động mang thai có chỉ định của bác sĩ thì họ phải được nghỉ làm ngay, nếu họ muốn.
Tuy nhiên, về tình huống bị quấy rối tình dục thì cần có hướng dẫn phân biệt giữa việc NLĐ bị NSDLĐ quấy rối khác gì với việc đồng nghiệp hay người nào đó trong cơ quan, xí nghiệp quấy rối. Nếu là NSDLĐ thì dễ dàng xử lý, còn các đối tượng khác thì lúc này NSDLĐ bị động, cũng cần có thời gian để họ tìm hiểu rồi quyết định có chấp nhận hay không yêu cầu nghỉ việc.
“Quy định này không làm khó NSDLĐ mà ngược lại để họ thực hiện pháp luật tốt hơn vì đơn phương chấm dứt HĐLĐ là một trong những quyền của NLĐ” - LS Lê Văn Bình (Đoàn LS TP.HCM) nói. Theo LS Bình, nếu quy định NLĐ phải nêu ra lý do và báo trước trong những tình huống kể trên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Có khi họ bị ngược đãi hoặc quấy rối, thậm chí là NSDLĐ muốn giữ chân lao động giỏi nhưng lại không muốn trả lương cao. Nhưng vì vướng các điều kiện ràng buộc mà không thể đơn phương nghỉ việc, khi ở lại làm việc thì tiếp tục bị làm khó.
Một số điểm mới khác trong dự thảo Bổ sung ba trường hợp NSDLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ là: NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu; NLĐ cung cấp thông tin nhân thân sai sự thật khi giao kết HĐLĐ làm ảnh hưởng đến quyết định tuyển dụng của NSDLĐ; NLĐ tự ý bỏ việc năm ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng (theo luật hiện hành đây là trường hợp sa thải). Thêm thời gian để hai bên chấm dứt HĐLĐ: Dự thảo khi tăng thời gian lên 10 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên (luật hiện hành quy định bảy ngày làm việc). Dự thảo cũng bỏ quy định NSDLĐ phải thông báo bằng văn bản cho NLĐ biết thời điểm chấm dứt HĐLĐ trước ít nhất 15 ngày khi HĐLĐ xác định thời hạn hết hạn. Bổ sung một trường hợp NLĐ được trả trợ cấp mất việc làm: Hết thời gian tạm hoãn, NLĐ quay lại làm việc nhưng công việc cũ không còn và không thỏa thuận được công việc mới, buộc hai bên phải chấm dứt HĐLĐ… |