Khi nói rủi ro thì người ta thường nghĩ ngay đến người mua nhà, đất. Thế nhưng thực tế cho thấy cả người bán cũng có thể trở thành nạn nhân do chưa nhận đủ tiền đã vội sang tên.
12 tỉ đồng chứ đâu phải ít
Đầu năm 2010, ông K. rao bán căn nhà với giá hơn 20 tỉ đồng. Bảy tháng sau, bà P. đến trả giá 19 tỉ đồng và hai bên đồng ý làm hợp đồng mua bán nhà. Tuy nhiên, bà P. cho biết mình chưa đủ tiền nên xin đưa trước 7 tỉ đồng. Bà hứa sau khi công chứng, sang tên thì bà sẽ dùng giấy tờ nhà thế chấp ngân hàng để vay tiền và sẽ trả ngay số tiền còn lại. Vợ chồng ông K. chấp nhận việc này.
Điều đáng nói là bà P. đã không trả nợ nên hai bên dẫn nhau ra tòa. Tháng 9-2011, TAND quận 5 ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của hai bên theo hướng bà P. phải tiếp tục thanh toán cho vợ chồng ông K. 12 tỉ đồng cộng với tiền lãi phát sinh. Sau khi quyết định này có hiệu lực, Chi cục Thi hành án (THA) dân sự quận 5 tiến hành kê biên, phát mại căn nhà thì bất ngờ một ngân hàng lên tiếng phản đối viện lẽ căn nhà đã được bà P. thế chấp vay 10 tỉ đồng!
Để tránh mua nhà, đất không có thực hoặc không phải của người bán, người mua cần tham khảo thông tin nhà, đất tại các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận, huyện.Ảnh: HTD
Một thủ đoạn, nhiều nạn nhân
Tưởng chỉ có mỗi ông K. gặp nạn nào ngờ còn có đến hai chủ nhà khác bị bà P. gây hại bằng cách thức tương tự.
Tháng 7-2009, do cần tiền làm ăn nên vợ chồng ông L. cũng lập hợp đồng bán căn nhà ở đường Ba Tháng Hai, quận 10 với giá 1.560 lượng vàng. Bà P. đã giao cho ông L. 780 lượng, số còn lại bà bảo đảm hai tháng sau khi sang tên bà sẽ vay ngân hàng rồi trả đủ cho ông.
Đầu tháng 12-2010, vợ chồng ông L. cũng kiện bà P. ra tòa để đòi số vàng còn lại. Xử sơ thẩm, TAND quận 10 tuyên ông L. thắng kiện. Tòa này duy trì lệnh phong tỏa căn nhà để phát mại nếu bà P. không THA. Bà P. đã kháng cáo nhưng TAND TP.HCM triệu tập nhiều lần mà bà vẫn không đến. Mất gần một năm, tòa mới đình chỉ xử phúc thẩm và bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.
Khi cơ quan THA tổ chức đo vẽ, đăng thông báo về việc phát mại căn nhà thì một ngân hàng đến ngăn cản, khiếu nại việc xét xử nêu trên. Thì ra bà P. đã thế chấp vay của ngân hàng hơn 40 tỉ đồng, sau đó bán luôn căn nhà cho ngân hàng với giá 52 tỉ đồng.Hai việc vay - bán nhà cho ngân hàng được bà thực hiện trong thời gian rất ngắn.
Ngoài ra, bà P. cũng mua thiếu một căn nhà tại quận Tân Bình và chưa rõ chủ nhà “chống đỡ” như thế nào với số tiền chưa được giao đủ.
Cách tránh bẫy mua, bán nhà đất Để hạn chế rủi ro cho người mua, bán nhà đất, nhiều chuyên gia đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích. Đối với người mua: + Khi mua nhà với người được ủy quyền, để tránh bị rắc rối với quan hệ nợ nần mà hai bên che đậy bằng hợp đồng ủy quyền, người mua nên đi tìm hiểu cặn kẽ căn nhà, gặp gỡ người ủy quyền. Nếu nhận thấy hợp đồng ủy quyền giả tạo thì đừng mua. + Để tránh mua nhà, đất không có thực hoặc không phải của người bán, người mua cần tham khảo thông tin nhà, đất tại các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận, huyện. Người mua cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin về chủ nhà, đất qua những người hàng xóm hoặc cảnh sát khu vực. + Để không mắc nạn với giấy tờ giả, người giả đi công chứng, hoặc gặp phải nhà, đất bị kê biên để thi hành án hay đang thế chấp, bảo lãnh, hoặc vướng quy hoạch, người mua nên yêu cầu bên bán cho xem bản chính giấy đỏ, giấy hồng và xin bản phôtô. Sau đó, người mua có thể mang bản phôtô đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, UBND cấp phường tham khảo. + Nhằm hạn chế việc tranh chấp, đối với nhà, đất của các đồng sở hữu thì người mua phải yêu cầu tất cả các chủ sở hữu làm văn bản đồng ý bán. + Muốn không bị rắc rối với chuyện tiền nong, người mua cần lập vi bằng khi trả tiền hoặc chuyển trả tiền qua tài khoản phong tỏa của ngân hàng, hạn chế tối đa việc thanh toán trực tiếp với nhau. Có thể trả tiền nhiều lần và chỉ giao đủ tiền sau khi được giao nhà và nhận được giấy đỏ, giấy hồng. Đối với người bán: + Người bán nên nhận khoảng 80% giá trị giao dịch trước hoặc ngay khi ký hợp đồng mua bán nhà, đất và bàn giao nhà. Hợp đồng mua bán nhà, đất có thể ghi mức phạt bên mua chậm trả số tiền còn lại. + Có thể ràng buộc nghĩa vụ thanh toán của người mua bằng cách buộc họ mở tài khoản ở ngân hàng. Sau khi người mua sang tên xong thì người bán có thể yêu cầu ngân hàng cho nhận số tiền còn lại ở tài khoản đó. |
ÁI NHÂN - CẨM TÚ