Ra ngõ “đụng” đồ chơi nguy hại

Tuy nhiên, nhiều đồ chơi của Trung Quốc bị nước ngoài cảnh báo nguy hại nhưng ở VN, người dân không biết. Nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe cho trẻ từ đồ chơi Trung Quốc rất cao.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2009 quy định: “Đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường phải có dấu hợp quy và nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật”. Nhãn hàng phải ghi rõ thành phần, thông số kỹ thuật, cảnh báo an toàn… Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm và thị trường miền Nam cho biết hiện 90% đồ chơi trẻ em lưu thông ở thị trường miền Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là của Trung Quốc. Với nhiều mẫu mã, đa dạng về màu sắc, giá lại rẻ nên đồ chơi Trung Quốc được cha mẹ và trẻ em lựa chọn.

“Dấu hợp quy là gì?”

Ghé cửa hàng đồ chơi trên đường Phan Đình Phùng (Phú Nhuận, TP.HCM), PV hỏi mua đồ chơi trẻ em Việt Nam. Người bán nói: “Toàn đồ chơi Trung Quốc, anh ơi. Việt Nam chỉ có xếp hình bằng gỗ, ít người mua lắm”.

Đảo mắt một lượt, PV thấy máy bay, xe hơi, siêu nhân, robo, động vật, con lật đật… lớn nhỏ, đẹp mắt chất đầy trên kệ, giá dao động từ 15.000 đồng đến 200.000 đồng. Có loại dán dấu hợp quy và nhãn, có loại không. “Đồ chơi nào chưa dán dấu hợp quy chắc quên đó anh ơi. Mà người mua dễ tính lắm, không ai chú ý dấu hợp quy với nhãn nhiếc đâu. Thấy đẹp, giá rẻ là họ mua” - người bán nói.

Ra ngõ “đụng” đồ chơi nguy hại ảnh 1

Rất nhiều đồ chơi trẻ em Trung Quốc không gắn dấu hợp quy, cũng chẳng dán nhãn hàng. Ảnh: TRẦN NGỌC

Tại cửa hàng đồ chơi trên đường Tháp Mười (quận 6, TP.HCM), một bà lựa mua tàu thủy, xe tăng ít màu sắc nhưng cậu con độ sáu tuổi cứ lắc đầu. Cuối cùng, cậu bé ôm khư khư con bobo bự chảng, lòe loẹt, chẳng dấu hợp quy, chẳng nhãn của Trung Quốc giá 195.000 đồng. “Nghe nói đồ chơi Trung Quốc có độc chất, định tìm loại đơn giản, ít màu mè nhưng con không chịu, chỉ thích đồ chơi sặc sỡ. Mua cho con mà thấy lo. Trong khi đó, tìm đỏ mắt cũng chẳng thấy đồ chơi Việt Nam” - bà mẹ nói.

Chiều tan tầm, nhiều điểm bán đồ chơi di động xuất hiện trên tuyến đường Trường Chinh (Tân Bình, TP.HCM) bày đủ loại xe hơi, xe máy, siêu nhân…, thu hút khá đông cha mẹ đang chở con. Toàn bộ đồ chơi bày bán của Trung Quốc, tất cả không nhãn, không dấu hợp quy. Giá lại rất rẻ, cao lắm chỉ 50.000 đồng. “Dấu hợp quy là gì, hình thù ra sao tôi chẳng biết. Mà lo gì, người mua đâu có hỏi dấu hợp quy, thấy đồ chơi rẻ và đẹp là… OK. Bán hết, gọi điện thoại là có người mang tới. Nhiều người nói đồ chơi Trung Quốc có độc nhưng tôi không tin. Nếu có độc thì đâu ai dám mua, đằng này mỗi ngày tôi bán hai, ba chục món” - bà bán đồ chơi nói tỉnh queo.

Không thể loại độc chất ra khỏi đồ chơi

Nói về độc chất trong đồ chơi, TS Trần Ngọc Quyển, Phó Trưởng phòng Vật liệu hóa dược (Viện Khoa học vật liệu ứng dụng), cho biết đồ chơi trẻ em làm từ các chất liệu nhựa (PVC, ABS…), kim loại, thủy tinh…, phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc. Một số mẫu lồng đèn, thú nhún hoặc các đồ chơi bằng nhựa (PVC) khi phân tích phát hiện có các thành phần độc tố như chì, cadimi, chrom (dạng kim loại hoặc oxit) và chất hóa dẻo phthalate. “Các độc tố nói trên dẫn đến nhiều bệnh cực kỳ nguy hiểm với trẻ em như loãng xương, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, dạ dày, thiếu máu, suy giảm trí tuệ, viêm gan, suy thận, teo thận, rối loạn giấc ngủ... Các độc tố trên không gây độc tính cấp mà được tích tụ và bộc phát bệnh sau nhiều năm tích lũy” - TS Quyển nói.

TS Quyển còn cho biết không thể loại độc chất ra khỏi các loại đồ chơi trẻ em vì các thành phần trên được đưa vào trong quá trình sản xuất nên phân tán đều bên ngoài cũng như bên trong sản phẩm. Chưa hết, nhiều đồ chơi Trung Quốc sử dụng pin, có nhiều thành phần hóa chất chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium với nhiều độc tính. Nếu vỏ pin bị vỡ, các thành phần độc hại có thể tiếp xúc với trẻ em, gây nên những bệnh nói trên.

“Phụ huynh chỉ mua đồ chơi trẻ em có dán dấu hợp quy CR, nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định, có ghi thành phần các chất trong đồ chơi, đồng thời yêu cầu người bán cho xem giấy chứng nhận hợp quy của sản phẩm. Không mua thú nhún Trung Quốc đã được cơ quan quản lý nhà nước cảnh báo vì chứa hàm lượng phthalate vượt giới hạn cho phép” - ông Trần Văn Xiêm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa miền Nam, lưu ý.

Trốn đoàn kiểm tra

Thời gian qua, Chi cục đã kiểm tra và phát hiện chất độc hại phthalate ở sản phẩm đĩa bay và thú nhún của Trung Quốc trên địa bàn TP.HCM nên đã thông báo nhà nhập khẩu, cơ sở kinh doanh thu hồi.

Chi cục cũng đã chuyển một số hồ sơ cho cơ quan thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với các nhà nhập khẩu và cơ sở kinh doanh đồ chơi sai phạm. Có trường hợp trong quá trình kiểm tra, khi phát hiện những sản phẩm sai phạm, Chi cục liên hệ với doanh nghiệp nhập khẩu để làm việc, xử lý nhưng doanh nghiệp này “biến mất”, không tìm được địa chỉ. Đây là một trong những lý do khiến đồ chơi Trung Quốc độc hại vẫn có mặt trên thị trường. Bên cạnh đó, do có mối liên hệ với các doanh nghiệp phân phối đồ chơi ở Việt Nam nên các nhà sản xuất đồ chơi Trung Quốc biết rất rõ sản phẩm nào bị cấm lưu hành ở Việt Nam. Vì vậy, họ nhanh chóng điều chỉnh và có những phản ứng rất kịp thời.

Ông TRẦN VĂM XIÊM, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa miền Nam, nhận định

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm