Rà soát, cân đối nguồn cung cát cho dự án vành đai 3

(PLO)- Tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng dự án đường vành đai 3 đã báo cáo UBND TP.HCM về tình hình mỏ vật liệu cát đắp nền đường dự án vành đai 3.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cho dự án đường vành đai 3 vừa có văn bản khẩn báo cáo UBND TP.HCM.

Các địa phương cùng khảo sát cát

Tổ công tác đưa ra dự báo nhu cầu sử dụng cát để phục vụ dự án qua các năm. Cụ thể tại TP.HCM, năm 2024 cần hơn 4,7 triệu m3; năm 2025 cần hơn 2,1 triệu m3; năm 2026 cần hơn 295.800 m3.

Theo đó, Tổ công tác đã tham mưu UBND TP.HCM tổ chức buổi làm việc với Bộ TN&MT, Bộ GTVT và UBND các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre để rà soát, cân đối nguồn cát phục vụ dự án đường vành đai 3.

vành đai 3 TP.HCM
Dự án vành đai 3 cần nguồn cát rất lớn để đắp nền. Ảnh: ĐÀO TRANG

Trước đó, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre thống nhất chủ trương cung cấp một phần trữ lượng các mỏ cát tại địa phương để phục vụ dự án đường vành đai 3 nếu kết quả thí nghiệm các mẫu cát đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của dự án.

Các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang xin ý kiến Thường trực tỉnh ủy do khó khăn về nguồn cung cấp cát phục vụ các dự án cao tốc, các công trình trong tỉnh nên chủ trương không cấp cát cho công trình ngoài tỉnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ TN&MT thành lập ngay Tổ công tác liên ngành để hỗ trợ giải quyết dứt điểm nguồn vật liệu san lấp; trực tiếp làm việc với các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ (đặc biệt là Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng...), vận dụng cơ chế, chính sách được Quốc hội cho phép trong thăm dò, cấp phép và khai thác vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam.

Trong tháng 4, Cục Khoáng sản Việt Nam đã làm việc với các tỉnh trên và TP.HCM để giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với nguồn vật liệu san lấp cho những dự án đường cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long và vành đai 3.

Theo đó, Cục Khoáng sản Việt Nam đề nghị Ban Giao thông khẩn trương lấy mẫu khảo sát và xác định khối lượng cát đắp nền đường cần các địa phương hỗ trợ cho dự án vành đai 3. Từ đó sớm có văn bản báo cáo Tổ công tác liên ngành để Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

Sớm mang cát về vành đai 3

Trước thực trạng trên, Tổ công tác kiến nghị UBND TP có văn bản kiến nghị Tổ công tác liên ngành do Bộ TN&MT thành lập có ý kiến, sớm gỡ vướng cho tình hình khó khăn của về vật liệu cát đắp nền đường, đảm bảo dự án vành đai 3.

Vành đai 3 TP.HCM
Tổ công tác đã phối hợp để khảo sát 44 mỏ cát ở miền Tây.

Trên cơ sở đó, đề nghị UBND các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang tham mưu Tỉnh ủy các tỉnh có chủ trương hỗ trợ, chia sẻ nguồn vật liệu cát đắp nền đường từ các mỏ cát của địa phương.

Đồng thời đề nghị UBND các tỉnh đẩy nhanh tiến độ các thủ tục gia hạn, cấp phép khai thác khoáng sản và thực hiện các cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 105 của Chính phủ để kịp thời cung cấp vật liệu cho dự án vào tháng 5-2024.

Đã khảo sát 44 mỏ cát

Tổ công tác và các địa phương đã tiến hành khảo sát 44 mỏ cát ở miền Tây, trong đó có 28 mỏ đủ điều kiện.

Đơn cử như tỉnh Vĩnh Long đã khảo sát 20 mỏ, song chỉ có 7 mỏ đạt chất lượng yêu cầu kỹ thuật của dự án vành đai 3. Các mỏ này có công suất khai thác hạn chế, không đủ cung cấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh và cũng đang phục vụ các trục cao tốc dọc, ngang trên địa bàn.

Tỉnh Tiền Giang cũng đã khảo sát 20 mỏ, đạt chất lượng yêu cầu kỹ thuật vành đai 3 là 17 mỏ. Tỉnh Bến Tre có 4 mỏ, đều đạt chất lượng cả 4.

Hiện Sở TN&MT tỉnh Bến Tre đang thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu giá quyền khai thác khoáng sản của các mỏ vật liệu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm