Rà soát điện mặt trời mái nhà được hưởng giá 8,38 UScent/kWh trong 20 năm

(PLO)- Chỉ 4 tháng đã đấu nối 11.808 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 6.108 MW, chiếm 78,6% tổng công suất trong hơn 3 năm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-12, Thanh tra Chính phủ đã ra thông báo công khai kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

điện mặt trời
Một dự án điện mặt trời mái nhà công suất lớn tại Phan Thiết. Ảnh: AK

Trong đó, chuyển thông tin kèm theo tài liệu đến Bộ Công an để xem xét đối với Bộ Công Thương trong việc ban hành hướng dẫn và tham mưu cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) có những sơ hở, khuyết điểm, vi phạm.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã xây dựng, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, trong đó quy định: “Hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 1 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống của bên mua điện”.

Do không quy định cụ thể về mái nhà sử dụng để lắp đặt các tấm quang điện đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà, do đó khi thực hiện, EVN và các địa phương đã gặp vướng mắc trong việc xác định đối tượng được áp dụng giá FIT 8,38 Uscent/kWh.

Do đó ngày 10-8-2020, EVN đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn, giải quyết vướng mắc, trong đó nêu: “Thực tế có một số hệ thống được đầu tư theo cụm có tổng công suất trên 1 MW tại cùng một địa điểm (trên cùng một mảnh đất hoặc mái nhà khu công nghiệp) của 1 chủ đầu tư và đấu nối tại 1 điểm hoặc nhiều điểm.

Trường hợp này có được xem là điện mặt trời mái nhà để ký hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư không. Có cần Giấy phép hoạt động điện lực không, trường hợp một chủ đầu tư có nhu cầu mua lại cụm hệ thống ĐMTMN nằm liền kề nhau trên cùng một mảnh đất, có tổng công suất trên 1 MW, sau khi chuyển nhượng, chủ đầu tư có phải bổ sung Giấy phép hoạt động điện lực không”.

Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ đã nhiều lần chuyển đến Bộ Công Thương xem xét, giải quyết các văn bản đề nghị hướng dẫn của các Sở Công thương Tiền Giang, Long An…

Ngày 22-9-2020, Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn, trong đó xác định rõ "Hệ ĐMTMN phải được lắp đặt trên mái nhà của các công trình xây dựng có công năng độc lập, được đầu tư xây dựng theo quy định. Công trình xây dựng (bao gồm xây mới, cải tạo, sửa chữa) được đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ, đất đai..

Mái nhà của công trình xây dựng là mái của nhà, mái của kết cấu dạng nhà theo quy định; mái nhà của công trình xây dựng cần phù hợp với công năng, mục đích sử dụng của công trình xây dựng…”

Tuy nhiên, tại điểm b Mục 2 có nội dung: "Về trường hợp nhiều hệ thống ĐMTMN có tổng công suất trên 1 MW trên 1 địa điểm được đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp, của một hoặc nhiều nhà đầu tư; trường hợp một chủ đầu tư mua lại nhiều hệ thống ĐMTMN nằm liền kề nhau, có tổng công suất trên 1 MW thì mỗi hệ thống ĐMTMN được ký hợp đồng mua bán điện riêng biệt và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.

Tổ chức, cá nhân mua lại được kế thừa quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong Hợp đồng mua bán điện mà các chủ đầu tư trước đã ký nhưng phải thực hiện thủ tục chuyển chủ thể hợp đồng và không được gộp các Hợp đồng mua bán điện thành một hợp đồng”.

dien-mat-troi1-7785.jpg
Theo Thanh tra Chính phủ, nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà đầu tư xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp với diện tích lớn, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhưng được áp dụng cơ chế ưu đãi cần phải rà soát, xem xét lại.

“Việc hướng dẫn chuyển nhượng dự án nhưng không được gộp các hợp đồng mua bán hệ thống ĐMTMN thành một hợp đồng là không có tác dụng về quản lý. Nguy cơ lợi dụng chính sách để đầu tư hệ thống công suất lớn trên đất nông, lâm nghiệp với diện tích lớn dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... nhưng được hưởng cơ chế ưu đãi của việc đầu tư hệ thống ĐMTMN” - Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu.

Thực tế cho thấy ngày 6-4-2020, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời và Bộ Công Thương ban hành văn bản hướng dẫn nêu trên chỉ trong 4 tháng (từ tháng 9-2020 đến 31-12-2020) đã đấu nối lên lưới điện 11.808 hệ thống ĐMTMN (mỗi hệ thống trên 50 kW) với tổng công suất là 6.108 MW, chiếm 78,6% tổng công suất các hệ thống điện MTMN lắp đặt trong thời gian từ tháng 6-2017 đến ngày 31-12-2020.

Từ việc Bộ Công Thương ban hành hướng dẫn và tham mưu ban hành cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN còn có những sơ hở nêu trên, do đó trong thực hiện đã có nhiều hệ thống, cụm hệ thống ĐMTMN đầu tư với công suất lớn, chưa được quản lý chặt chẽ, thiếu sự phối hợp giữa Bộ Công Thương, UBND các địa phương và EVN.

Vì vậy, các hệ thống, cụm hệ thống ĐMTMN đầu tư xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp với diện tích lớn dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhưng được áp dụng cơ chế ưu đãi của hệ thống ĐMTMN cần phải rà soát, xem xét lại việc được hưởng giá FIT 8,38 UScent/kWh trong 20 năm nên Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị xem xét, xử lý việc áp dụng giá điện ưu đãi nói trên.

Thực tế, tại Bình Thuận rất nhiều hệ thống ĐMTMN công suất lớn được đầu tư theo kiểu này. Cụ thể 4 doanh nghiệp do một người ở Hà Nội đại diện, ngày 23-11-2020 thuê 4 ha đất ở thị xã La Gi (trong vòng 25 năm) và hơn 1 tháng sau (31-12-2020) đã kịp ký hợp đồng mua bán điện với giá ưu đãi.

Các hệ thống này đều dưới 1 MW và phía dưới đều trồng cây đinh lăng theo kiểu trang trại mặc dù có một phần là đất trồng cây lâu năm và đất giao thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm