Rác gom về rồi lại tiếp tục hành dân

Tại TP.HCM, rác thải sinh hoạt được các xe thu gom, đưa về những điểm tập kết ở ngay trong khu dân cư trước khi chuyển đến nhà máy xử lý. Và chính các bãi tập kết này đang trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người dân vì mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Dân thì muốn bãi tập kết phải dời ra xa, còn nhà quản lý thì loay hoay tìm giải pháp.

Nỗi khổ sống gần bãi tập kết rác

Rác thải tập kết ở rất nhiều tuyến đường tại TP.HCM, ngay sát khu nhà dân. Đơn cử như trên đường Thủy Lợi (Phước Long A, quận 9), một điểm tập kết rác nằm sát đường gần giao lộ đường Nam Hòa. Vào giờ gom rác buổi trưa và chiều, các xe rác nối dài khiến con đường đi vào khu dân cư ách tắc. Ai đi ngang cũng phải nín thở, xe rác đi rồi mà nước thải, mùi hôi vẫn còn vương vãi.

“Ở đây phải lắp cửa kính thật kín, nếu không là không thể chịu nổi. Bao năm rồi, càng lúc càng khó chịu hơn chứ không quen được” - anh Nguyễn Minh Thanh, một người dân bức xúc.

Tương tự, người dân ở gần điểm tập kết đường Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) cũng đang phải chịu đựng sự ô nhiễm trầm trọng. Đặc biệt vào những ngày nắng nóng hay mưa to, rác trôi lềnh bềnh trên mặt đường, rãnh nước từ bãi rác chảy ra đen ngòm, đặc quánh.

Dãy nhà trọ gần bãi tập kết này ban ngày vắng tanh. Người dân cho biết kỳ nghỉ hè phải gửi con nhỏ về quê còn người lớn đóng cửa đi làm, đợi đêm xuống không khí trong lành hơn mới về.

“Rác đổ về đây nhiều lắm, tràn cả ra đường. Nhiều hôm gió mạnh, mùi hôi lan xa hàng trăm mét” là lời than thở của ông Nguyễn Chí Hoàng, người dân ở gần bãi tập kết đường Vũ Ngọc Phan (phường 13, quận Bình Thạnh). Theo đó, có nhiều ngày rác chiếm nguyên nửa con đường, việc buôn bán bị ảnh hưởng, sinh hoạt bị đảo lộn do phải sống chung với rác.

Tình cảnh quá tải tương tự cũng diễn ra ở điểm tập kết rác phường Tam Phú (quận Thủ Đức). Cả núi rác cao ngất nằm phơi giữa cái nắng chói chang, rác tràn cả ra khỏi khuôn viên khu tập kết.

“Mới đây xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, nạn nhân ngã chấn thương sọ não chỉ vì bánh xe cán phải nước rác trơn quá, bị trượt” - người dân kể lại.

Xuất hiện khắp nơi trong TP, kể cả trung tâm quận 1 như điểm đường Phạm Ngũ Lão, Thi Sách, Cống Quỳnh, các điểm tập kết này lớn nhỏ khác nhau nhưng tất cả đều trong tình trạng ô nhiễm.

Các bãi tập kết rác luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Đ.TRANG - N.THẮNG

Nhiều giải pháp nhưng vẫn “đuối”

Người dân phản ánh các bãi tập kết không chỉ gây ô nhiễm cảnh quan, không khí mà đôi khi rác bị giữ ở đây khá lâu không thấy đem đi. Khi công nhân vệ sinh cho phun nước, dung dịch lên các xe rác, đống rác để rửa thì tình trạng càng thêm tệ hại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Chánh, Giám đốc Ban quản lý (BQL) Đầu tư xây dựng công trình (quận 12, TP.HCM), giải thích việc phun nước vào các xe rác là để rửa xe trước khi rời đi để đảm bảo vệ sinh. Rác tồn đọng chưa trung chuyển hết trong ngày cần được phun hóa chất để khử mùi.

Ông Chánh cho biết để giảm thiểu bất tiện cho người dân, từ năm 2017, UBND quận 12 đã có đề án xây dựng ba trạm ép rác kín gồm trạm Tân Thới Nhất, trạm An Phú Đông và trạm Thạnh Xuân thay thế cho một số điểm tập kết. Dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thành.

Đối với tình hình hoạt động ở điểm tập kết Tam Phú, ông Vũ Quốc Bảo, Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích, cho biết đang quá tải. Diện tích điểm này chỉ khoảng 90 m2 nhưng phải chứa đến hơn 200 tấn rác mỗi ngày.

Các xe đổ về cùng một thời điểm gây ùn tắc nên xe lấy rác đi càng bị chậm trễ. Đường lên bãi rác Đa Phước lại hay kẹt xe, có chuyến phải mất sáu tiếng cho một lần di chuyển khiến rác ở bãi tập kết dồn lại rất lâu.

“Công ty sẽ cùng các phường phân chia thời gian đổ rác để tránh dồn ứ. Giải pháp lâu dài cần tính đến là dự án xây dựng trạm ép rác rộng 2.000 m2 cần nhanh chóng khởi động để giải phóng tình trạng quá tải. Khi có công nghệ, rác tập kết sẽ được ép lại, xử lý mùi hôi và nước thải nên mức ô nhiễm sẽ giảm thiểu đáng kể” - ông Bảo khẳng định.

Trong buổi lễ ra quân chiến dịch Mùa hè xanh 2018 sáng 15-7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh nội dung vận động thanh niên TP chung tay xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường, khởi đầu cuộc vận động không xả rác, dọn dẹp vệ sinh, thực hiện “cống không rác, kênh không rác”; mỗi tổ chức chính trị-xã hội đảm nhận việc vận động không xả rác xuống cống và kênh, rạch đến từng địa bàn khu phố, tổ dân phố. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm