Chiếc ô tô đậu trước chung cư, bất ngờ một bao rác từ trên cao rơi thẳng xuống, kính trước xe nứt như mạng nhện; chạy xe trên đường bỗng giật mình vì một bao nylon, một trái dừa, một ly nước uống cạn từ xe trước bay vèo qua mặt, đáp xuống nắp cống, bãi cỏ, hành lang bên đường… Đó là vô số tình huống tiện tay xả rác của người dân đô thị. Không phải chỉ riêng Hà Nội, TP.HCM mà gần như các đô thị lớn trong cả nước đều đang kêu cứu vì rác, đặc biệt là loại rác được xả vô tội vạ, không người quản lý.
Thói quen xấu kéo dài
Từ lâu việc tuyên truyền, giáo dục ý thức, trách nhiệm cho người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường vẫn được thực hiện thường xuyên nhưng gần như không có tác dụng. Ngay lúc này, nhìn quanh, không khó để phát hiện một điểm mất vệ sinh, một góc đường đầy rác nhưng dường như chẳng ai coi đó là việc liên quan đến mình.
Theo ghi nhận của phóng viên, rác có mặt ở khắp mọi nơi, từ đường sá, ống cống, công viên đến chính cửa nhà người dân. Thậm chí ngay cạnh những tấm biển cấm xả rác cũng xuất hiện những đống rác to oành. Những không gian lớn như công viên, bãi đất trống, dòng kênh… đều trở thành nơi lý tưởng để bỏ rác. Những con kênh như kênh Hai Heo, kênh Nhiêu Lộc, kênh Tàu Hủ, rạch Xuyên Tâm… trở thành thùng rác công cộng khổng lồ. Trong các công viên, bên lề đường thì cứ đi vài bước là có rác dù ở vùng ven hay trung tâm quận 1.
Anh Tống Văn Nghĩa, một người sống ở Hàn Quốc lâu năm, chia sẻ: “Ở đây khác quá, trong thành phố lịch sự hàng đầu cả nước nhưng người dân cứ quăng rác hồn nhiên. Thùng rác có nhưng họ không bỏ vào, cứ như thói quen đã ăn vào máu”. “Chúng tôi dọn không xuể, nhất là mỗi khi có chương trình ca nhạc, bóng đá, đám đông rút đi là để lại cả núi rác” - một công nhân vệ sinh khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ bức xúc nói.
Tình trạng xả rác vẫn còn phổ biến ở các thành phố lớn. Ảnh minh họa
Lý giải điều này, TS xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng hành vi vứt, xả rác bừa bãi là một thói xấu mang tính cố hữu. Người thực hiện hành vi không hề quan tâm đến cộng đồng và môi trường. Nguyên nhân bắt nguồn từ người lớn và trẻ nhỏ cũng tiếp nối vì nhìn thấy hành vi của người thân mình. Trẻ có thể ngoan ngoãn ở trường nhưng ra ngoài các em lại làm theo bản năng.
Ý thức hay câu chuyện quản lý?
Về biện pháp giáo dục mềm, TS Thúy cho rằng phải chú trọng bồi dưỡng con người tình yêu thiên nhiên, ý thức quan tâm tới người khác và có trách nhiệm với nơi mình sinh sống. Mỗi người lớn phải làm tấm gương sáng cho con em của mình.
Về hệ thống các thiết chế quản lý, chế tài liên quan, Nghị định 155/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã nâng mức phạt cao nhất cho hành vi xả rác không đúng nơi quy định đến 7 triệu đồng (nghị định cũ mức tối đa chỉ là 500.000 đồng). Theo đó, các hành vi như vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng, trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị, hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị đều bị xử phạt rất nặng (từ 1 triệu đến 7 triệu đồng).
Tuy nhiên, cái khó là tổ chức thực hiện xử phạt như thế nào, lực lượng nào và bằng cách nào để giám sát, bắt quả tang vi phạm, lập biên bản xử lý... “Lực lượng mỏng, không đủ người để tuần tra, kiểm soát nên không thể xử phạt” là lý giải của nhiều nơi.
Một số phường huy động lực lượng tại chỗ như dân quân, người dân tố giác để tăng hiệu quả giám sát. Như UBND phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú) kêu gọi người dân trình báo khi phát hiện có đối tượng xả rác, mỗi trường hợp trình báo và xử phạt sẽ được phường thưởng nóng 500.000 đồng/vụ. Còn phường Bến Nghé, quận 1 cũng đã xử lý được nhiều gia đình đổ rác ẩu, bừa bãi bằng cách mời lên công an phường để xem lại những hình ảnh vi phạm được ghi lại từ camera.
Anh NVH, tổ trưởng một tổ dân phố ở phường 22 (quận Bình Thạnh) cho biết: “Tôi đã đến từng gia đình vận động ký bản cam kết không xả rác bừa bãi. Tuy nhiên, một số hộ gia đình nói ký thì ký nhưng có lúc ăn nhậu, đám tiệc khó tránh vứt xả lung tung, anh thông cảm. Vậy đó, mọi người biết là sai nhưng vẫn làm, đôi khi chính quyền cũng phải bó tay”.
Hậu quả nhãn tiền Ngập đường là vấn nạn nhức nhối của các TP. Khi trời mưa, triều cường, nước không thoát được xuống cống, gây ngập dẫn đến những trận kẹt xe kinh hoàng. Một trong những nguyên nhân của việc này là hệ thống cống thu nước đã bị vô hiệu hóa vì lá cây, rác thải đã bít luôn miệng cống. Hiện tượng cá chết hàng loạt trên các kênh, hồ, mỗi lần thu gom hàng tấn một phần nguyên nhân là do nguồn nước bị ô nhiễm nặng dưới tác động của nhiều loại rác thải. Những con cá sống trong môi trường ô nhiễm lại có thể được người dân câu về, chế biến món ăn và sinh bệnh. Hệ thống cống nước trong TP là nỗi ám ảnh không chỉ của các công nhân vệ sinh mà còn của chính người dân nếu một lần chứng kiến. Những lòng cống tràn ngập rác thải, chai lọ, kim tiêm… tiềm ẩn vô vàn mối đe dọa dịch bệnh, truyền nhiễm. |