Sáng 6-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Lân, Giám đốc Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, nhận định: “Rác thải y tế trong BV bị đánh cắp”.
Xử lý người giám sát rác thải
Theo ông Lân, người đàn ông mặc đồng phục xanh đang lựa chai nhựa, lon nhôm lẫn trong túi màu vàng đựng chất thải lây nhiễm mà PV ghi hình là công nhân ngoại cảnh của một đơn vị bên ngoài hợp đồng với BV. “Nhiệm vụ của ông này là chăm sóc cây cảnh, không liên quan đến việc xử lý chất thải. Ông này đã đánh cắp rác thải y tế trong BV” - ông Lân nói.
Theo ông Lân, BV ký hợp đồng xử lý rác thải với Công ty TNHH Môi trường đô thị TP.HCM và phân công người giám sát việc thu gom chất thải ở các khoa, phòng. Xảy ra tình trạng đánh cắp rác thải trong BV thuộc trách nhiệm người giám sát. Do đó, BV đang trong quá trình xử lý người này. “Ngoài chấm dứt hợp đồng lao động với người đánh cắp rác thải, BV còn yêu cầu bảo vệ không cho bà Võ Thị Ngọc, ở huyện Bình Chánh, TP.HCM (người mua chai nhựa, lon nhôm thu gom trong BV Phạm Ngọc Thạch), ra vào BV nữa” - ông Lân trình bày.
Liên quan đến bà Ngọc, ông Phạm Trường Nhật, phụ trách môi trường UBND xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, cho biết UBND huyện này đã ra quyết định xử phạt bà Ngọc 50 triệu đồng do lưu giữ chất thải nguy hại không đúng quy định, ảnh hưởng môi trường. UBND huyện Bình Chánh còn buộc bà Ngọc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. “Bà Ngọc đã thuê đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý dây truyền dịch dính máu, túi đựng dung dịch phục vụ phẫu thuật… tại điểm chứa phế liệu của mình” - ông Nhật cho biết thêm.
Người đàn ông đẩy xe chứa rác thải đến khu chứa rác trong BV Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: TRẦN NGỌC
Đặt camera khu vực lưu chứa chất thải y tế
Điều 30 Nghị định 38/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu có nội dung: “Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường (gồm cả chất thải tái chế) ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý”.
BS Nhan Tô Tài, Giám đốc BV quận 12, TP.HCM, cho biết BV ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải lây nhiễm, rác thải sinh hoạt với Công ty TNHH Môi trường đô thị TP.HCM. “Riêng rác thải tái chế, BV đã ký hợp đồng với một đơn vị được cấp phép” - BS Tài nói.
BS Tài còn cho biết BV thường xuyên tập huấn phân loại rác thải tại nguồn cho những nhân viên vệ sinh hợp đồng bên ngoài.
Tương tự, BS Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết ngoài hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế, BV còn đặt camera ở khu vực tập kết rác thải để giám sát. Việc làm này nhằm tránh tình trạng cá nhân tự ý thu gom và phân loại rác thải y tế.
Theo BS Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định TP.HCM, những thùng chứa rác lây nhiễm, nguy hại, sinh hoạt, tái chế đều có bảng hướng dẫn rõ ràng. “Ngày bốn lần, rác thải được phân loại riêng và đưa xuống nhà chứa rác. Sau đó, Công ty TNHH Môi trường đô thị TP.HCM đến chở và xử lý. BV còn xây dựng quy trình xử lý sự cố do rác thải y tế gây ra và tập huấn cho nhân viên vệ sinh. Các sự cố xử lý bao gồm: Tổn thương do kim tiêm hoặc vật sắc nhọn, máu hoặc dịch bắn lên mắt, hít phải hơi thủy ngân…” - BS Tuyết nói thêm.
Một số bệnh viện chưa thực hiện tốt quản lý chất thải y tế Qua kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải y tế tại các BV trên địa bàn TP.HCM, Sở Y tế nhận thấy một số BV chưa thực hiện tốt. Đặc biệt là trong công tác tổ chức, giám sát, thực hiện các quy trình phân loại, thu gom, chuyển giao chất thải rắn y tế. Để đảm bảo công tác quản lý chất thải y tế thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch 58/2015 của Bộ Y tế và Bộ TN&MT, Sở Y tế TP.HCM vừa ban hành công văn đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn xây dựng và triển khai thực hiện quy trình phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn y tế tại mỗi khoa, phòng; giám sát chặt công tác phân loại, thu gom, chuyển giao chất thải rắn y tế trong suốt thời gian, kể cả ngày nghỉ và lễ. Cần thiết lắp đặt camera giám sát, đảm bảo không để chất thải rắn y tế vận chuyển ra ngoài sai quy định. Bà NGUYỄN THỊ HUỲNH MAI, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM Quy trình tái chế chai nhựa không đúng quy định thì hóa chất vẫn còn trong bao bì. Đựng thực phẩm nóng, hóa chất dễ nhiễm vào thức ăn. Đựng thực phẩm nguội hoặc lạnh, hóa chất ít nhiễm hơn. Chai nhựa nằm lẫn lộn chất thải lây nhiễm dễ bị nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao trong quá trình tái chế thành bao bì. Thế nhưng ngoài vi khuẩn thông thường, chai nhựa có thể nhiễm những loại virus gây bệnh khó bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao. Khi sản xuất thành hộp đựng bánh, những virus này có thể tồn tại và nhiễm vào thức ăn. TS PHAN THẾ ĐỒNG, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng |