Chúng tôi xin kể câu chuyện từ chối quà tặng của một vị đang là lãnh đạo cấp cao, trước đó ông là người đứng đầu một tỉnh nghèo trong nhiều năm.
Đến giờ nhiều cán bộ đương chức lẫn hưu trí, doanh nghiệp (DN)… ở tỉnh này vẫn luôn nhắc nhau để nhớ “đến anh ấy chơi tết thì đừng mang bất cứ quà gì, nếu không thì sẽ bị xấu hổ, tiễn khách”.
Tìm hiểu một số cán bộ ở tỉnh này mới biết rằng ngay từ khi lên làm lãnh đạo tỉnh từ chức vụ chủ tịch rồi đến bí thư, vị cán bộ này đã tự đặt ra một nguyên tắc: Không nhận quà bất kỳ hình thức nào! “Ban đầu tôi không biết, ghé nhà anh ấy chơi tết và biếu ít trà. Anh ấy tiếp lịch sự và nói rất nhẹ nhàng: “Anh cầm về đi, lương và phụ cấp chức vụ của tôi đủ sống rồi. Nếu anh không cầm về, anh về đi”” - một chủ DN kể lại lần bị từ chối quà của vị lãnh đạo này. Có cán bộ nhân tết đem rượu đến nhà anh ấy tặng nhưng sau đó ra về với vẻ mặt tiu nghỉu. Sau này hỏi ra mới biết là anh cán bộ này có kèm phong bì vào thùng rượu nên bị mời về.
Dù là nghe vậy nhưng tôi vẫn còn băn khoăn về cách từ chối quà “quyết liệt” của vị lãnh đạo ấy. Bởi nếu món quà ở mức tình cảm cho phép như trái cây, bánh… thì hà tất phải từ chối cho buồn lòng người đến chúc tết. Có thể người ta đến thăm vì quý mến chứ không phải để nhờ cậy.
Trong một cuộc trò chuyện, tôi đem câu chuyện từ chối quà để hỏi chính vị lãnh đạo ấy. Ông chỉ cười xuề xòa rồi bảo: “Không có gì đâu, việc từ chối nhận quà là đương nhiên phải làm. Cán bộ, công chức làm được việc gì cho người dân thì đó là trách nhiệm. Chỉ sợ chưa làm tròn trách nhiệm với người dân thôi”. Tôi hỏi tiếp liệu rằng ông từ chối quà như vậy thì người ta có đồn đoán gì không. Ông phẩy tay bảo: “Chuyện thiên hạ mà, nếu mình không nhận gì thì không phải ngại. Cái gì không phải của mình, mình nhận chi. Ông bà xưa nói rồi: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Tôi chỉ lo làm chưa tốt hết phần việc của mình, để người dân phàn nàn. Còn chuyện quà, không nhận là lẽ thường!”.
Có lần tôi cắc cớ hỏi ông giờ anh làm lãnh đạo cấp trung ương thì việc từ chối quà có tiện như hồi ở tỉnh không. Ông cười: “Người nào tặng gì, tôi cảm ơn tấm lòng họ rồi từ chối nhẹ nhàng thôi. Mọi sinh hoạt của mình đã có Nhà nước lo rồi, không dám nhận, sợ nặng nợ lắm!”.
Ông nói nhẹ hều về việc nhận quà vậy đó, không phải của mình, mình nhận chi… Tôi lại nhớ lần ông trả lời phỏng vấn của báo Pháp Luật TP.HCMvề vấn đề cán bộ tham nhũng, ông trăn trở: “Hiện tượng một bộ phận không nhỏ cán bộ, lãnh đạo vi phạm pháp luật đã làm hình ảnh người cán bộ nhạt nhòa đi trong nhân dân”.
Để hình ảnh người cán bộ, lãnh đạo không “nhạt nhòa đi trong nhân dân” có lẽ nên bắt đầu từ việc từ chối quà tặng, dù bất kỳ hình thức nào, vì khoảng cách từ việc nhận “quà nhỏ” dẫn đến “quà to” rồi đến tạo “điều kiện” cho người “tặng” trong gang tấc.
NGUYỄN ĐỨC