Phải trị tận gốc nạn phong bì

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương, đã nhấn mạnh như thế khi bàn tiếp câu chuyện nhận phong bì, quà tặng trong cán bộ, công chức, viên chức nhà nước với Pháp Luật TP.HCM.

Ông Hùng nói: “Đã từ lâu chúng ta đặt vấn đề phải loại bỏ kiểu “văn hóa phong bì”. Đã có văn bản của Đảng, Nhà nước về việc cấm nhận phong bì. Gần đây nhất (tháng 1-2014), Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã có công văn nghiêm cấm việc tặng quà tết cho cấp trên dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, từ văn bản đến thực tiễn còn cách xa. Tình trạng phong bì, quà biếu là vấn nạn nhũng nhiễu làm giảm lòng tin của nhân dân vào nền công vụ”. “Quan điểm của tôi là cần cấm tiệt việc nhận phong bì, kỷ luật thật nặng cán bộ vi phạm, không giơ cao đánh khẽ” - ông Hùng nhấn mạnh.

Thực chất là hối lộ, tham nhũng

. Phóng viên: Thưa ông, dù Đảng, Chính phủ đã cấm chuyện nhận phong bì trong cán bộ nhà nước nhưng câu chuyện “nhận quà, phong bì trên mức tình cảm” vẫn đang diễn ra trong mọi lĩnh vực. Phải chăng đây là “căn bệnh” khó chữa?

Phải trị tận gốc nạn phong bì ảnh 1
 
+ Ông Vũ Quốc Hùng: Đảng, Nhà nước ta không chấp nhận cái gọi là “văn hóa phong bì”, quà biếu. Nhận phong bì là một việc rất xấu xa, vẫn đang xảy ra khá phổ biến, không thể tính ra tỉ lệ phần trăm được. Những người nghèo khi có việc liên hệ với cơ quan công quyền, bệnh viện, trường học… mà phải đưa phong bì thì càng cực khổ hơn. Cơ quan, tổ chức nhà nước cần nghiêm trị cán bộ nhận quà, vòi vĩnh, sách nhiễu để có quà. Đồng thời, chính người đứng đầu cơ quan đó phải đề nghị cán bộ mình từ chối quà biếu. Nếu thấy cán bộ vi phạm, cần loại bỏ ngay, cho thôi việc thì việc trị bệnh sẽ dần có hiệu quả.

. Dư luận xã hội, nhân dân thường gọi nạn nhận phong bì, quà biếu là tham nhũng vặt. Nhưng một khi nạn phong bì đã nâng lên thành “văn hóa” trong mắt dân chúng thì khó có thể coi đây là tham nhũng vặt?

+ Lâu nay chúng ta hay nói đó là tham nhũng vặt mà kiểu vặt như vậy xảy ra khắp nơi. Thực tế vấn đề phong bì không còn dừng lại ở bì thư nho nhỏ. Thực tế, dư luận đã biết có vụ án lộ ra trường hợp mang cả va ly tiền, bao tiền để làm “quà tặng” cho những cán bộ biến chất nhằm trục lợi… Đây thực chất là đưa và nhận hối lộ. Tôi cho rằng đây là vấn đề tham nhũng lớn, thông qua nhiều hình thái khác nhau. Không có tiền là không trôi được việc.

 
Một khi đã nhận “quà”, cán bộ sẵn sàng làm trái công vụ để tạo điều kiện cho người tặng quà. Ảnh minh họa: HTD

Vì thế phải trị tận gốc nạn phong bì, để làm sao cán bộ, công chức nhà nước không cần nhận quà mà vẫn làm tốt công việc cho người dân. Nếu để xảy ra việc nhận quà biếu, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, phải bị kỷ luật tương xứng do hành vi cấp dưới mình gây ra.

. Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn phải tốn chi phí “bôi trơn” với rất nhiều hình thức từ phong bì vài triệu đến suất du lịch vài chục triệu đồng, rồi căn hộ triệu đô… để được nhanh việc. Thậm chí sau khi cán bộ nhận được “quà khủng” sẽ “tạo điều kiện” cho DN những món lợi... Vậy hành lang pháp lý nào để hạn chế mức thấp nhất việc đưa-nhận phong bì, thưa ông?

+ DN cực chẳng đã mới phải đưa tiền “bôi trơn”. Đây là hành vi xấu nhưng trước tiên là do cán bộ mà ra. Nhiều khi chính sách cụ thể, rõ ràng rồi nhưng cán bộ không công khai cụ thể cho DN mà lợi dụng chính sách để bắt bẻ, làm khó rồi nhũng nhiễu DN. Trong trường hợp này DN là nạn nhân, là người bị động và buộc phải chung chi. Một khi đã quà cáp, phong bì thì DN phải im lặng, bởi nếu tố giác sẽ rất khó khăn cho việc kinh doanh sau này. Ngoài ra có trường hợp DN đưa quà, phong bì để được cán bộ, lãnh đạo đơn vị đó “ưu ái, tạo điều kiện” trong kinh doanh. Ở đây cho thấy giữa DN và cán bộ nhà nước đã cấu kết nhau nhằm trục lợi…

Do đó cần thiết phải xây dựng hàng rào pháp lý thật chặt chẽ để nạn phong bì “bôi trơn” hạn chế mức thấp nhất. Chẳng hạn như công khai các thủ tục hành chính, công khai mọi quá trình hoạt động của cơ quan, đơn vị đó lên mạng. Cần xử thật nghiêm những trường hợp vi phạm, làm sao cả bên nhận và bên đưa hối lộ muốn vi phạm cũng không dám thì lúc đó vấn nạn này sẽ giảm.

Chữa ngay bệnh “nói nhưng không làm”

. Ông vừa nói phải trị tận gốc căn bệnh có tên gọi “phong bì”, quà biếu. Nhưng dường như nhiều chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước vẫn chưa được thực hiện nghiêm, phải chăng “bệnh” có vẻ đã kháng thuốc hay thiếu “bác sĩ” giỏi, thưa ông ?

+ Từ “căn bệnh” phong bì không được xử lý nghiêm, triệt để, tôi thấy một căn bệnh cũng trầm trọng không kém: Bệnh nói nhưng không làm. Đã cấm thì cấm tiệt chứ không thể khuyến khích không nhận quà. Nếu phát hiện cán bộ sai là cho thôi việc ngay thì nhân dân tin tưởng vô cùng.

Tôi nghĩ trong cán bộ đảng viên vẫn còn không ít những cán bộ trong sạch, làm việc vì trách nhiệm hơn là vì phong bì. Vì thế hơn lúc nào hết, việc giáo dục cán bộ thường xuyên vẫn là giải pháp lâu dài. Khi đã giáo dục rồi mà cán bộ vẫn vi phạm thì với những kẻ gian tham như thế phải quyết loại trừ. Vì một khi đã nhận “quà”, cán bộ sẵn sàng cố ý làm trái công vụ tạo điều kiện cho người tặng quà. Thời gian qua cán bộ vi phạm pháp luật tăng nhanh, nhiều vụ án tham nhũng lớn đều xuất phát từ cái phong bao đầy mê lực này.

Mặt khác, việc kiểm tra, giám sát đạo đức công vụ phải được đặt lên hàng đầu. Đồng thời, công tác tuyển chọn cán bộ được đảm bảo đúng quy trình, chọn người tài giỏi, có đạo đức thì sẽ hạn chế tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, cửa quyền…

. Xin cảm ơn ông.

NGUYỄN ĐỨC thực hiện

Phải loại kẻ vòi vĩnh nhân dân khỏi bộ máy nhà nước

. Phóng viên: Thực tế thời gian qua, một số lãnh đạo đứng đầu các cơ quan xảy ra vi phạm nhưng chỉ bị phê bình, rút kinh nghiệm. Phải chăng cấp ủy đảng ở nơi đó đã không thực hiện nghiêm, đúng chủ trương của Đảng là xử lý nghiêm khắc cán bộ vi phạm hay sự cả nể, thậm chí nạn “phong bì” chen chân làm chùn, bẩn tay người ra kỷ luật?

+ Ông Vũ Quốc Hùng: Từng làm công tác kiểm tra kỷ luật Đảng, tôi cho rằng phê bình, kiểm điểm rút kinh nghiệm không có trong hình thức kỷ luật. Cán bộ càng cao càng phải xử nghiêm. Trong thực tế có tỉnh này tỉnh kia, thậm chí cán bộ cao cấp vẫn phải bị kỷ luật thích đáng, thậm chí là cách chức. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp người đứng đầu đơn vị này, ngành kia có sai phạm ai cũng thấy nhưng chỉ bị phê bình. Đó là một cách tạo tiền lệ xấu trong việc thực thi pháp luật. Mọi cán bộ đảng viên khi vi phạm cần phải xử lý nghiêm khắc nhất để làm gương.

Sắp tới đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ 12, tôi nghĩ đây là cơ hội để các cấp ủy đảng sửa sai, sàng lọc lại công tác cán bộ. Đây là trách nhiệm của Đảng, của toàn dân để phơi bày, lôi ra những kẻ xấu trong hàng ngũ cán bộ. Không thể để những cán bộ sai phạm, yếu kém năng lực, nhũng nhiễu, vòi vĩnh nhân dân đặt chân vào bộ máy nhà nước.

Những cán bộ ăn bẩn, gian tham cần phải bị vạch mặt, chỉ tên, loại khỏi hàng ngũ cán bộ phục vụ nhân dân. Bởi họ đã kìm hãm sự phát triển của đất nước, làm hạn chế quyền lợi của nhân dân.

_____________________________________

Lãnh đạo càng cao càng phải nêu gương liêm khiết

Tôi cho rằng người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền cần từ chối quà tặng trên mức tình cảm. Lãnh đạo càng cao càng phải nêu gương liêm khiết. Bởi khi người ta đem quà trên mức tình cảm đến mình là một cách mua chuộc, làm tha hóa dần cán bộ, làm biến chất nền hành chính công vụ. Cần phải nhắc lại việc kê khai, minh bạch, giám sát, kiểm tra sự công khai tài chính của cán bộ, lãnh đạo nhà nước cần phải thường xuyên. Sắp tới nếu việc công khai, minh bạch tài sản được công khai chi tiết trên công luận thì hiệu quả kiểm soát, phòng chống tham nhũng sẽ hiệu quả.

Một lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm