Sau năm năm giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới 3-5 triệu đồng/lượng thì thời gian gần đây, giá vàng trong nước lại rẻ hơn vàng ngoại.
Cụ thể từ ngày 1-4 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 45 USD/ounce, tương đương 1 triệu đồng/lượng. Trong khi đó giá vàng trong nước từ đầu tháng 4 đến nay chỉ tăng hơn 300.000 đồng/lượng.
Chính vì lý do này vàng nội hiện thấp hơn vàng thế giới hơn 300.000 đồng/lượng, trước đó có thời điểm thấp hơn cả triệu đồng mỗi lượng.
Có dấu hiệu “chảy máu” vàng
Trước đây giá vàng nội cao hơn thế giới tạo cơ hội cho vàng lậu “chảy” từ các nước vào Việt Nam. Nay thì ngược lại, giá vàng trong nước thấp hơn thế giới dẫn đến hiện tượng vàng từ trong nước bị xuất lậu qua biên giới.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, xác nhận hiện tượng “chảy máu” vàng qua biên giới đã xuất hiện. Qua trao đổi với cơ quan chức năng, ông có ghi nhận hiện tượng này song quy mô thực tế là nhỏ, khối lượng ít. Mặt khác, vàng xuất đi chủ yếu là các loại vàng nhẫn, bị cắt xén ra với số lượng không nhiều, không phải vàng nguyên liệu. Tuy vậy, diễn biến này chưa có tác động tiêu cực đến thị trường Việt Nam, chưa làm vàng trong nước bị khan hiếm.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng “chỉ cần có chênh lệch là có xuất lậu”. Ông Trần Thanh Hải, chuyên gia ngành vàng, nói với ngành hàng khác lợi nhuận 1%-2% là không đáng kể nhưng với vàng thì đây là tỉ lệ đáng để những kẻ cơ hội tranh thủ buôn lậu vàng.
Giá vàng trong nước hiện đang thấp hơn thế giới. Ảnh: NS
Ông Hải lấy ví dụ: Giả sử một lượng vàng có giá 33 triệu đồng, đạt 1% lợi nhuận, tương ứng 300.000 đồng. Tỉ suất lợi nhuận này không cao nhưng giá trị vật chất lớn. Bởi lẽ 1 kg vàng là 26 lượng, một lượng lời 300.000 đồng, tính ra 26 lượng lời khoảng 8 triệu đồng.
“Vì thế tôi cho rằng khi có chênh lệch giá, thị trường có nhu cầu mà không đáp ứng được tất nhiên sẽ phát sinh buôn lậu. Khi vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới thì vàng “chảy” vào Việt Nam và ngược lại, khi giá vàng nội rẻ hơn vàng ngoại thì hiện tượng “chảy máu” vàng qua biên giới là đương nhiên” - ông Hải nhận định.
Trong khi đó, ông Dương Anh Vũ, chuyên gia ngành vàng, nói xuất lậu vàng có thể xảy ra khi vàng ngoại tiếp tục tăng và vàng nội không tăng. Ông Vũ nói: “Khi độ vênh của vàng nội với vàng ngoại ngày càng lớn thì nguy cơ “chảy máu” vàng qua biên giới càng dễ xảy ra. Song tôi cho rằng để có sự xuất hiện nguy cơ xuất lậu thì tối thiểu giá vàng nội phải thấp hơn vàng ngoại ít nhất 800.000 đồng/lượng”.
Dẹp “loạn” thị trường vàng
Tại sao vàng ngoại tăng mạnh trong khi vàng nội chỉ tăng lẹt đẹt? Lý giải về vấn đề này, ông Dương Anh Vũ phân tích, những ngày qua giá vàng quốc tế tăng cao do các chỉ số tăng trưởng kinh tế của những nền kinh tế lớn có phần bị mất đà và thiếu cân bằng. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến không nâng lãi suất mạnh tay trong năm nay cũng tạo cơ hội cho giá vàng thế giới bật lên mạnh như thời gian vừa qua.
“Trong khi đó, vàng trong nước chỉ tăng nhẹ vì lực cầu trên thị trường rất yếu. Ngay cả khi giá vàng ở ngưỡng thấp sức mua đã ít nên tăng lên nữa thì sẽ không có mấy người mua bán. Ngoài ra, biên độ dao động giữa mua bán nhỏ, tỉ lệ sinh lời thấp nên càng làm thị trường trong nước ảm đạm” - ông Vũ phân tích.
Đồng quan điểm này, ông Trần Thanh Hải cũng cho hay nguyên nhân khiến giá vàng trong nước thấp hơn thế giới do nhu cầu vàng miếng trong nước đang thấp.
Nhưng nguyên nhân bao trùm tất cả, theo các chuyên gia là do nỗ lực dẹp bỏ tình trạng “vàng hóa” của NHNN đã phát huy tác dụng, làm người dân không còn quá mặn mà với vàng. Cụ thể, trước đây thị trường vàng trong nước khá nhiễu loạn, mỗi khi vàng thế giới biến động, giá vàng trong nước liên tục “nhảy múa” theo. Cảnh mọi người chen lấn, xô đẩy để mua bán vàng không phải là hiếm. Đó là chưa kể tình trạng găm giữ, đầu cơ, thao túng thị trường vàng.
Trước thực tế đó, NNNN đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 24 nhằm ổn định và thu hẹp thị trường vàng miếng, từng bước xóa bỏ tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế. Nhờ đó thị trường vàng đã thay đổi theo hướng tích cực. Đặc biệt chênh lệch vàng trong nước và quốc tế gần đây đã được khắc phục. Ngay cả khi giá vàng quốc tế biến động mạnh cũng không còn gây sóng gió gây bất ổn đến tỉ giá, thị trường ngoại tệ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng dù thị trường vàng đã tương đối ổn định nhưng trước nguy cơ thẩm lậu vàng ra ngoài biên giới vẫn cần bàn tay quản lý linh hoạt của cơ quan điều hành, qua đó để hiện tượng trên không có tác động tiêu cực đến thị trường. Ví dụ, cần nghiên cứu việc có nên cho phép doanh nghiệp xuất khẩu vàng chính ngạch hay không (Nghị định 24 chỉ cho xuất khẩu vàng nữ trang).
Bởi khi thị trường vàng ổn định thì mới góp phần duy trì sự ổn định của tỉ giá, thị trường ngoại hối, chính sách tiền tệ. Nguồn lực vàng trong dân mới từng bước được chuyển hóa để phục vụ cho nền kinh tế phát triển.
Vàng thế giới tăng vọt Ngày hôm qua (12-4), giá vàng thế giới đột ngột tăng mạnh. Lúc 3 giờ chiều cùng ngày, vàng thế giới dao động quanh mức 1.260 USD, quy đổi tương đương 33,91 triệu đồng/lượng. Số liệu kinh tế tiêu cực và bất ổn về chính sách tiền tệ của Mỹ đã góp phần khiến giới đầu tư né tránh rủi ro, trong khi đẩy tăng nhu cầu vàng và các tài sản khác được coi là hầm trú ẩn an toàn, kể cả yen Nhật. Cùng chiều với đà tăng của thị trường thế giới, vàng miếng SJC tại TP.HCM trong chiều qua đã tăng thêm 180.000 đồng/lượng so với giá chốt phiên hôm trước. Hiện giá mua vào - bán ra ở mức 33,38-33,63 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng thế giới khoảng 300.000 đồng/lượng. Dù giá vàng trong nước thấp hơn thế giới song sức mua không tăng mạnh như thời gian trước đây, thị trường giao dịch trầm lắng. Cùng ngày, giá bán USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục giữ ổn định nhưng giá bán đồng bạc xanh trên thị trường tự do lại rẻ hơn 20-50 đồng/USD, phổ biến ở mức 22.280-22.300 VND/USD. Có lẽ việc “chảy máu” vàng ồ ạt thì chưa có nhưng tình trạng rỉ rả có thể xảy ra. Bởi giao thương ở khu vực biên giới xảy ra hằng ngày và nó là một dòng chảy liên tục. Ông TRẦN THANH HẢI, chuyên gia ngành vàng |