Rija Nagar lễ hội đặc sắc đầu năm của cộng đồng Chăm

(PLO)- Năm nay, ngày 1 tháng 1 năm 2023 Chăm lịch, sẽ là ngày 20-4 dương lịch diễn ra Rija Nagar lễ hội đặc sắc đầu năm của cộng đồng Chăm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Người Chăm ở Việt Nam cũng giống như nhiều dân tộc của các quốc gia Đông Nam Á như: Campuchia, Thái Lan, Lào... hàng năm vào khoảng tháng 4 dương lịch, đều diễn ra lễ hội.

Lễ hội đầu năm mới của người Chăm

Nếu nói lễ hội lớn nhất của cộng đồng Chăm theo tôn giáo Balamon (Chăm Ahier), là lễ Katê; lễ Ramuwan của đồng bào Chăm Bàni (Awal) và Hồi giáo thì Rija Nagar là sự hoà hợp tất cả cộng đồng Chăm. Ảnh: NÚI XANH

Nếu nói lễ hội lớn nhất của cộng đồng Chăm theo tôn giáo Balamon (Chăm Ahier), là lễ Katê; lễ Ramuwan của đồng bào Chăm Bàni (Awal) và Hồi giáo thì Rija Nagar là sự hoà hợp tất cả cộng đồng Chăm. Ảnh: NÚI XANH

Theo các nhà nghiên cứu thì Rija Nagar là nét đặc trưng riêng, vô cùng đặc sắc trong văn hoá Chăm, khi có sự hoà hợp giữa tín ngưỡng bản địa và sự tiếp biến văn hoá mới khi các nhóm chức sắc Chăm như: ong kadhar (đại diện Ahier); Maduen, Acar (Awal), ong Ka-ing (thuộc tín ngưỡng bản địa) đều thực hiện nghi lễ Rija Nagar trong cùng một mốc thời gian.

Theo quan niệm của người Chăm thì Rija Nagar là một lễ hội đầu năm mới, người Chăm thể hiện niềm tin vào thế lực siêu nhiên mang một ý niệm về mặt tinh thần.

Họ cầu mong tẩy uế những gì không may mắn của năm cũ, bước sang năm mới mọi người mọi nhà được bình an, cầu cho mưa thuận gió hòa ruộng đồng tươi tốt.

Lễ hội Rija Nagar có thể tạm chia ra làm 3 phần: đầu tiên là “Rija palei” (cả làng chung tay đóng góp tổ chức); tiếp theo là “Ba ahar lumah (đồ dâng cúng do từng gia đình); cuối cùng là, ew tanah (cúng đất) và ew/ngap akaok (tẩy uế cho mọi người trong gia đình).

Việc dâng cúng cũng tuỳ theo từng làng và lễ chính (đạp lửa) diễn ra khác nhau. Ngày vào theo quan niệm của người Chăm là ngày cúng cho thần Yang mới, ngày ra thì cúng cho thần Yang cũ. Người Chăm có câu "tamâ manuk tabiak pabaiy", với nghĩa là “ngày vào cúng gà - ngày ra cúng dê” hay “ngày vào cúng thần mới - ngày ra cúng thần cũ”.

Ngày đầu của Rija Nagar là lễ cúng thần mới, diễn ra vào ngày thứ 5 trong tuần của tháng đầu năm trong lịch Chăm.

Lễ vật cúng là bàn tổ gồm trầu, rượu, trứng cùng các món cúng như xôi, chuối, gà. Các gia đình chủ yếu là phụ nữ trong làng, đội bánh trái bày lễ trước sân. Khi hành lễ, trong tiếng trống Ginang, tiếng kèn Saranai rộn ràng, chức sắc Maduen (thầy vỗ) chủ lễ, ôm trống Paranung vừa điều khiển cuộc lễ, vừa hát ca ngợi công đức của các vị thần đã phù hộ và ban phước lành cho dân làng.

Múa đạp lửa

Trung tâm của lễ là ông Ka-ing – người duy nhất mặc áo đỏ truyền thống trong buổi lễ. Ông là người đại diện cộng đồng kết nối với thần linh với những lời khấn vái bằng ngữ điệu hình thể và điệu múa đạp lửa linh thiêng, khi cầm quạt khoan thai khi vung roi nhảy múa trong tiếng hò reo cổ vũ của dân làng…

Trung tâm của lễ là ông Ka-ing – người duy nhất mặc áo đỏ truyền thống trong buổi lễ. Ông là người đại diện cộng đồng kết nối với thần linh với những lời khấn vái bằng ngữ điệu hình thể và điệu múa đạp lửa linh thiêng, khi cầm quạt khoan thai khi vung roi nhảy múa trong tiếng hò reo cổ vũ của dân làng…

Nếu các dân tộc trong vùng Đông Nam Á, những ngày này đều diễn ra lễ hội như Bun Pi May của Lào, Songkran của Thái Lan, hội Thing Yan của Myanmar lễ hội Chol Chnam Thmay của người dân Campuchia đều có tục “té nước” thì trong lễ tục Rija Nagar của đồng bào Chăm lại là “múa đạp lửa”.

Múa đạp lửa chính là phần đặc sắc nhất trong lễ, ông Ka-ing tay cầm roi hoặc kiếm vừa múa đạp lên đống lửa đang bùng cháy. Giống như một chiến binh chiến đấu, vừa bảo vệ xóm làng thân thương và với việc đạp lên đống lửa, như thể hiện sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để đi đến chiến thắng.

Múa lửa theo quan niệm của người Chăm cũng có nghĩa rằng, khi đống lửa được dập tắt thì mưa sẽ tới, cầu mong những giọt nước đem lại tươi mát cho vạn vật, ấm no và hạnh phúc. Ngoài ra, lửa trong văn hoá Chăm còn được hiểu chính là để thiêu cháy mọi thứ ô uế, dơ bẩn của năm cũ và đón nhận những tốt đẹp nhất nhân dịp năm mới.

Cuối ngày Rija, ông Ka-ing thay mặt vị thần nhận bánh trái của cộng đồng dâng lên, rồi ban phát ngược lại cho mọi người. Sau đó là nghi thức “tống ôn” (tống khứ tà ma, bệnh tật, hoạn nạn...) bằng cách thả một chiếc thuyền làm bằng thân chuối, bên trong đặt những hình nhân bằng bột gạo, trầu, cau,... thả xuống dòng nước trôi ra biển.

Tiếp theo là, trong tháng đầu năm (Rija Nagar) cộng đồng Chăm sẽ đến các đền trên khắp vùng đất cực nam miền Trung để cúng tế tạo nên một không khí lễ hội nhộn nhịp hơn.

Rija Nưgar là một lễ hội dân gian có tính truyền thống và mang một ý nghĩa tốt đẹp, có thể coi nó gần như Tết Nguyên đán của dân tộc Kinh. Lễ quy tụ cả hai bộ phận tôn giáo dân tộc Chăm tham dự.

Ngoài phần lễ với những nghi lễ truyền thống, người Chăm còn coi nó như là ngày hội với những buổi trình diễn văn nghệ mang đậm sắc thái dân tộc.

Một số hình ảnh của lễ Rija Nagar tại đền thờ Po Riyak ở làng Mỹ Nghiệp thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận:

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm