Làng Chăm Văn Lâm tưng bừng mùa lễ Ramưwan sau 3 năm dịch

(PLO)- Sau 3 năm khó khăn vì dịch COVID-19, làng Văn Lâm năm nay đón mừng Ramưwan vui hơn mọi năm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Làng Văn Lâm thuộc xã Phước Nam, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), theo tiếng Chăm vẫn hay gọi với cái tên cổ là Palei Răm (Palei: làng; Răm: rừng già).

Làng Chăm Văn Lâm tưng bừng vào mùa lễ Ramưwan. Ảnh: NÚI XANH

Làng Chăm Văn Lâm tưng bừng vào mùa lễ Ramưwan. Ảnh: NÚI XANH

Nhiều người biết đến tên làng bởi Văn Lâm là một trong những làng Chăm lớn ở Ninh Thuận. Làng xưa, nay chia đơn vị hành chính thành 4 thôn theo thứ tự từ Văn Lâm 1 đến 4.

Cả làng hiện có hơn 12 ngàn nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề nông, trồng trọt, chăn nuôi. Người Chăm Văn Lâm ảnh hưởng văn hóa Hồi giáo, với 2 cộng đồng Hồi giáo BàNi đậm nét văn hóa bản địa và Hồi giáo Islam. Hai nền văn hóa ấy chi phối khá rõ nét đời sống xã hội của người Chăm ở đây.

Hàng năm cũng giống như cộng đồng theo đạo Hồi, cứ đầu tháng 9 (Hồi lịch) cả làng tưng bừng đón lễ Ramưwan.

Các Po Acar cầu kinh vẩy nước thánh lên đá.

Các Po Acar cầu kinh vẩy nước thánh lên đá.

Trước ngày lễ chính, mọi người trong dòng họ ăn mặc trang trọng rủ nhau ra nghĩa trang. Các Po Acar cầu kinh vẩy nước thánh lên từng viên đá xếp thành hành theo từng tộc họ, với ý nghĩa tẩy uế, làm cho người chết được mát mẻ, sạch sẽ, thanh khiết hơn.

Sau kinh Phua Tihah được đọc, con cháu dòng tộc sẽ cầu nguyện chắp tay giơ cao vái lạy sát đất 3 lần khẩn rước tổ tiên về nhà ăn Mukkei...

Sau kinh Phua Tihah được đọc, con cháu dòng tộc sẽ cầu nguyện chắp tay giơ cao vái lạy sát đất 3 lần khẩn rước tổ tiên về nhà ăn Mukkei...

Các Po Acar dùng 2 ngón tay làm dấu ấn thánh lên trên các bia mộ để rước ông bà tổ tiên về. Trước khi hoàn tất phần kinh, Po Acar lấy trầu cau têm sẵn nhét xuống từng ngôi mộ, niệm kinh rước linh hồn ông bà tổ tiên sẽ về nhà trong mùa Ramưwan.

Sau khi đi tảo mộ về các gia đình dù giàu hay nghèo đều chọn nơi trang trọng nhất kê ván, trải chiếu làm lễ cúng gia tiên. Đây là nơi để cho con cháu đốt trầm hương tưởng nhớ gia tiên.

Sau khi đi tảo mộ về các gia đình dù giàu hay nghèo đều chọn nơi trang trọng nhất kê ván, trải chiếu làm lễ cúng gia tiên. Đây là nơi để cho con cháu đốt trầm hương tưởng nhớ gia tiên.

Trên bàn thờ nhất thiết phải có cặp gối nằm, khay trầu, ấm trà, lư hương, bát bằng kim khí và ống nhổ cùng bánh trái… người Chăm Bani chỉ lập bàn thờ trong 2 ngày, sau đó rước ông bà tổ tiên vào chùa trong suốt mùa Ramưwan.

Trong lễ cúng, người chủ lễ đặt từng mâm với các món mặn, ngọt riêng để mời từng người về với con cháu. Có những gia đình việc làm lễ mời ông bà tổ tiên kéo dài mấy tiếng đồng hồ.

Sau 3 năm khó khăn vì dịch COVID-19, làng Văn Lâm năm nay đón mừng Ramưwan vui hơn mọi năm. Quanh làng hương lúa chín ngào ngạt. Con đường nhựa phẳng lỳ rộng rãi vừa xong tháng trước. Người dân đi tảo mộ không phải vất vả như những năm trước.

Ramưwan năm nay Văn Lâm lại mở hội trên sân vận động giữa làng. Hơn 450 diễn viên nhạc công không chuyên, họ chính là những bà, những cô, là thanh niên nam nữ và học sinh trong làng. Thường ngày họ là giáo viên, nhà nông, công chức học sinh...

Hôm nay họ ra sân áo dài duyên dáng, uyển chuyển múa quạt theo tiếng trống Ghì năng, điệu kèn Saranai dặt dìu. Mỗi người như gửi gắm trong những điệu múa ước nguyện về một Văn Lâm và quê hương luôn mưa thuận gió hòa, xóm làng bình an, sức khỏe.

Lễ Ramưwan ở Văn Lâm, không chỉ là những tập tục, nghi lễ đã được duy trì từ bao đời cha ông Chăm, mà còn lại những sinh hoạt văn hóa tinh thần lành mạnh mang đậm bản sắc dân tộc Chăm ở vùng đất Cực nam quanh năm nắng gió Ninh Thuận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm