Theo các chuyên gia, về cơ bản những robot này là một máy khoan nằm ngang, gồm một ống thép dài nhiều kích cỡ, có đường kính bằng đường kính hầm, đủ để chứa thiết bị máy móc hay công nhân vận hành. Đầu ống là khiên đào có gắn các mũi cắt, có động cơ làm quay tròn để cắt đất. Sau khi đào từng đoạn ngắn, vỏ hầm (là các tấm bê tông cốt thép lắp ghép) được thi công ngay. Máy khoan đi đến đâu, vỏ hầm được lắp ghép đến đó để tránh sụp lở lớp đất, đá phía trên.
Vừa qua, hai nhà ga ngầm của tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 Bến Thành - Suối Tiên gồm nhà ga Nhà hát TP và nhà ga Ba Son (gói thầu 1b) thi công theo phương pháp đào hở. Còn đoạn đường hầm dọc bên hông Nhà hát TP theo đường Nguyễn Siêu dài khoảng 1,8 km được khoan bằng loại robot này.
Một con robot đào đường ngầm để đặt các loại cống có đường kính 300 đến 1.800 mm. Ảnh: LĐ
Với dự án đào đặt 24,4 km cống thoát nước ở quận 4, 5 và 8 tới đây (Pháp Luật TP.HCM đã thông tin trong bài báo ngày 3-3 nói trên), lần đầu tiên ở TP.HCM sử dụng công nghệ robot đào, kích cống ngầm dưới độ sâu 5-7 m so với mặt đường để đặt các loại cống có đường kính 300 đến 1.800 mm.
Do đường kính cống đặt nhiều kích cỡ nên sẽ có nhiều loại đầu robot có đường kính đào tương ứng. Từ hố đào sâu dưới 5 m, người ta sẽ thả con robot xuống đi trước và đường cống đi sau. Khi đầu robot tiến sâu vào lòng đất thì từ hố đào, công nhân sẽ kích các đốt cống đi theo. Đầu robot “đi” được khoảng 200-300 m đến bên kia hố nhận thì coi như đoạn đào, đặt cống đã xong. Khi đó hố nhận sẽ “chuyển hóa” thành hố đào (hố thăm) cho đoạn tiếp theo.
Những năm gần đây, một số công ty khoan, đặt công trình ngầm ở TP.HCM và Hà Nội tự nghiên cứu nâng cấp kiểu đào ngầm bằng tay sang đào bằng robot mini có điều khiển định vị bằng GPS và bản đồ kỹ thuật số. Theo đó, các đầu đào được vận hành bằng máy nổ xăng hoặc dầu. Đầu đào robot được gắn một số thiết bị cảm ứng, nhận tín hiệu định hướng ở hố nhận phía trước. Các robot Việt Nam này có thể đào băng ngang đường hoặc đào dọc để lắp đặt hoặc đẩy các loại ống nhựa PVC đi theo. Sau đó là việc luồn các loại cáp điện, cáp quang, điện thoại hoặc ống cấp nước vào trong lòng ống PVC.
Các đầu đào robot này có thể khoan với nhiều kích cỡ khác nhau nhưng lớn nhất mới chỉ đạt 300 mm, chiều dài đường khoan có thể lên đến 30 m và chiều sâu hạn chế từ mặt đường xuống mới chỉ là 0,5 đến 1 m.