Rơi nước mắt khi mơ ước có chân thành hiện thực

(PLO)- Nhờ sự nhiệt tâm, hết mình của các tình nguyện viên trong đoàn thiện nguyện Trường ĐH Mercer (Mỹ), nhiều người nghèo ở Kiên Giang đã có thêm hy vọng trong cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngồi đợi về nhà sau khi được lắp chân giả vào ngày 11-6, tại Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo (BTBNN) tỉnh Kiên Giang, anh Nguyễn Văn Đội (41 tuổi, ngụ xã Thuận Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang) không giấu nổi niềm vui và sự xúc động: “Nghe tin có đoàn thiện nguyện nhiều bác sĩ, chuyên gia về đây lắp chân giả miễn phí, tôi thử tìm đến xem có được không. May mắn sau khi khám, các bác sĩ cho biết tình trạng của tôi có thể lắp chân giả, nghe xong tôi mừng rơi nước mắt”.

Niềm vui thật từ những chiếc chân giả

Trước kia anh Đội làm ngư phủ. Đầu năm 2003, một lần đang làm việc trên biển, anh bị cáp neo tàu quật trúng một chân khiến anh bị thương. “Khi tàu vô tới bờ thì hai ngày đã trôi qua, vết thương do không được chăm sóc đúng cách đã nhiễm trùng nặng, tôi phải cắt bỏ chân. Cuối năm, gia đình chạy vạy gom tiền cho tôi đi lắp chân giả ở Cần Thơ nhưng xui cái là sau đó tôi bị teo cơ, chân giả không dùng được… Vậy là sau nhiều năm mơ ước, cuối cùng tôi lại được bước đi trên chính đôi chân của mình” - anh Đội chia sẻ.

Tình nguyện viên trong đoàn thiện nguyện đang chỉnh sửa, hoàn thiện một chân giả (trái), sau đó chân này được cẩn thận lắp cho một người dân ở KiênGiang (phải). Ảnh: MINH TRUNG

Tình nguyện viên trong đoàn thiện nguyện đang chỉnh sửa, hoàn thiện một chân giả (trái), sau đó chân này được cẩn thận lắp cho một người dân KiênGiang (phải). Ảnh: MINH TRUNG

Tiếp mạch câu chuyện, anh Đội kể gia đình anh khá khó khăn. Từ khi anh mất chân, gánh nặng kinh tế trong nhà đặt cả lên vai người vợ làm giúp việc. Thương vợ cực khổ, với một chân còn lại, ngày ngày anh chống nạng gỗ đi đặt lú ở ven sông kiếm vài chục ngàn đồng phụ tiền chợ. “Trước kia tôi ao ước có đủ hai chân để đi lại như những người khác, giờ ước mơ của tôi đã thành sự thật. Có được chân mới này đi lại sẽ nhẹ nhàng, thuận tiện hơn. Tôi mong sớm tìm thêm được việc làm để cùng vợ lo cho gia đình” - anh Đội tâm sự.

Một người nữa được lắp chân giả cùng ngày với anh Đội là ông Trần Thanh Hải (54 tuổi, ngụ xã Định An, huyện Gò Quao, Kiên Giang), cựu binh chiến trường Campuchia. “Năm 1987, tôi bị mất cả hai chân do trúng mìn khi hành quân. Về nước, tôi phải mất một thời gian dài mới quen được với chiếc nạng gỗ để có thể di chuyển những đoạn ngắn. Đến năm 2019, tôi được Hội BTBNN tỉnh Kiên Giang làm chân giả. Giờ chân này “tuổi” cũng nhiều rồi, tôi xin được lắp chân mới để đi lại dễ hơn. Chân mới rất mềm mại, thoải mái” - ông Hải cười vui vẻ.

Ông Hải tâm sự trước kia ông cũng muốn lắp chân mới khi đôi chân được tặng đã già theo thời gian. Nhưng do góp mãi không đủ tiền, ông đành chịu. “Giờ có đôi chân mới rất vừa ý còn được miễn phí, tôi cảm ơn các bác sĩ, Hội BTBNN nhiều lắm” - ông Hải nói.

Tiếp tục đồng hành cùng người bệnh nghèo

Ngày 12-6, tại Hội BTBNN tỉnh Kiên Giang, đoàn thiện nguyện gồm 52 giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ và sinh viên thiện nguyện của Trường ĐH Mercer (Mỹ) vẫn miệt mài khám chữa bệnh xương khớp, đo huyết áp, bắt mạch và cấp phát thuốc miễn phí cho hàng trăm người khuyết tật và người dân nghèo ở các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang... Có hôm người dân đến đông, các bác sĩ nước ngoài nhiệt tình lắp tay chân giả đến khuya mới nghỉ ngơi.

4,8 tỉ đồng là tổng chi phí khám bệnh, cấp phát thuốc, lắp tay chân giả miễn phí... cho người nghèo tại tỉnh Kiên Giang vừa qua.

GS-TS-BS Võ Văn Hà, bác sĩ chấn thương chỉnh hình của Trường ĐH Mercer, trưởng đoàn thiện nguyện Mercer on Mission - Việt Nam, cho hay trước đây, đoàn bác sĩ, sinh viên tình nguyện của trường đã phối hợp với Hội BTBNN tỉnh Kiên Giang làm chương trình một lần. Khi đó, thấy nhiều người dân có bệnh rất nặng về xương và không có điều kiện lắp tay chân giả nên đoàn rất thương, hứa năm nào cũng quay lại.

“Tuy nhiên, vừa qua do dịch COVID-19 bùng phát nên chúng tôi không thể quay lại như đã hứa. Lần này trở lại, chúng tôi mong muốn hỗ trợ tối đa cho bà con. Tương lai đoàn sẽ tiếp tục gắn bó, tiếp tục giúp đỡ những người nghèo nơi đây để họ được chăm lo tốt hơn” - BS Hà trải lòng.

Phó Chủ tịch Hội BTBNN tỉnh Kiên Giang Nguyễn Xuân Nghiêm cho biết: “Các bác sĩ và sinh viên tình nguyện nước ngoài trong đoàn rất nhiệt tình. Mấy ngày nay ai cũng làm đến tối mịt mới ngừng tay. Dù mệt nhưng mọi người luôn niềm nở, thân thiện trong khi khám bệnh, lắp tay chân giả cho bà con khó khăn. Bà con vui lắm. Đợt này đoàn khám cho khoảng 700 bệnh nhân nghèo bị các bệnh xương khớp, lắp 350 chân giả và 70 tay giả cho người khuyết tật nghèo ở địa phương trong vòng bảy ngày (từ ngày 6 đến 13-6)”.

Đây là lần thứ hai đoàn bác sĩ, tình nguyện viên Trường ĐH Mercer đến khám bệnh và lắp tay chân giả miễn phí tại Kiên Giang. Trước đó, trong lần khám bệnh và lắp tay chân giả năm 2019, đoàn đã hỗ trợ hơn 789 người với tổng kinh phí hơn 2,1 tỉ đồng.

Với người nghèo, bình thường họ khó có thể lo được mỗi lần khám, mua thuốc bệnh xương khớp cả vài trăm ngàn đồng, làm tay chân giả tiền triệu. Do vậy, đây là hoạt động có ý nghĩa rất lớn với bà con nghèo ở địa phương. Chúng tôi cảm ơn và mong chương trình sẽ tiếp tục được thực hiện tại Kiên Giang.

Ông NGUYỄN XUÂN NGHIÊM, Phó Chủ tịch Hội BTBNN
tỉnh Kiên Giang

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm