Theo tìm hiểu của PV, tại TP Buôn Ma Thuột, có một số đường phố đặt tên các danh nhân lịch sử văn hóa nhưng ghi chưa chính xác hoặc thiếu sót.
Đường Nơ Trang Long và đường Y Jút. Ảnh: VL |
Đó là đường Sương Nguyệt Ánh (phường Thắng Lợi). Đường này đặt theo tên nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (1864-1921). Tên thật của bà là Nguyễn Thị Khuê, tự Nguyệt Anh, con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (quê ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).
Bà Sương Nguyệt Anh cũng là người phụ nữ đầu tiên phụ trách tờ báo “Nữ giới chung” được xuất bản tại Sài Gòn vào đầu thế kỷ XX.
Tên đường Sương Nguyệt Ánh, tên của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. Ảnh VL |
Tờ báo xuất bản số đầu tiên ngày 1-2-1918, với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội.
Ngoài ra còn có đường Y Ngông ở phường Tân Thành, đường Nơ Trang Long, đường Y Jút, đường Y Ơn, đường Y Bhin, đường Y Wang… ghi không đầy đủ về danh nhân lịch sử.
Đường Y Jút. Ảnh: VL |
Bởi vì, người Êđê viết tên, họ theo cấu trúc được quy định hàng trăm năm. Đối với con trai, viết là Y + tên + họ, ví dụ Y Thuật Niê, Y Jút H’wing…
Đối với con gái, H’ + tên + họ như H’Hoa Hmok, H’Linh Bkrông, H’Hương Byă…
Như vậy, cấu trúc đường Y Ngông phải ghi đầy đủ là Y Ngông Niê K’Dăm (1922-2001). Ông là một trí thức, bác sĩ, Nhà giáo Nhân dân, người đại biểu cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên suốt 9 khóa Quốc hội, sinh ra và lớn lên tại huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk).
Đường Y Jút viết theo tên thầy giáo Y Jút H’wing. Ông cùng với thầy Y Út Niê sáng lập ra chữ viết Êđê là sự kết hợp giữa tiếng Pháp, chữ Hán Việt và ngôn ngữ bản địa.
Đường Y Wang đặt theo tên ông Y Wang Mlô Duôn Du. Đường Y Nuê đặt theo tên ông Y Nuê Buôn Krông…
Đường Giải Phóng ở phường Tân Thành. Ảnh: VL |
Chưa hết, ở TP Buôn Ma Thuột còn tồn tại thực trạng cắm trùng tên đường (đường Giải Phòng ở phường Tân Thành, đường Giải Phóng ở phường Tân An). Có những đoạn đường 10 năm thay đổi đến ba lần. Đó là đường Chu Văn Tấn, phường Khánh Xuân. Trước đây, đường này là hẻm đường Nguyễn Thị Định, sau đó đổi thành hẻm đường Võ Văn Kiệt.
Chính vì có sự thay đổi tên đường và cắm trùng tên đường khiến nhiều người dân tìm kiếm đường như ma trận.
Trao đổi với PLO,ông Đặng Gia Duẩn, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Lắk cho biết việc đặt tên đường (Y Ngông, Y Jút, Y Wang…) là để người dân dễ gọi hơn.
Ông Duẩn cho biết thêm, theo quy định, không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử - văn hoá của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ.
“Trường hợp đường, phố và công trình công cộng đã đặt tên mà xét thấy không có ý nghĩa lịch sử - văn hoá, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của địa phương, gây ảnh hưởng, tác động xấu trong xã hội thì phải đổi tên nhưng cần xem xét thận trọng” – ông Duẩn cho hay.
Vị Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Lắk cho biết, sở cũng là cơ quan thường trực đặt đổi tên đường trong đợt tới đây ở TP Buôn Ma Thuột và huyện Ea Hleo.
“Qua khảo sát thực tế, việc tên đường, đặt tên công viên… cũng phải rà soát lại để có điều chỉnh cho phù hợp” – ông Duẩn nói.