Ở đất nước hơn tỷ dân, hàng trăm tín ngưỡng và tôn giáo lớn nhỏ này, hôn nhân được xem là vấn đề quan trọng nhất đời người. Chuyện dài kể bao giờ mới hết, thôi thì chỉ nói về đám cưới của người Hindu giáo.
Tự do hôn nhân kiểu Ấn
Theo kinh Vệ-đà, việc kết hôn của người Hindu có thể chia hai loại: kết hôn hoan hỉ và kết hôn không chính danh. Hoan hỉ là các trường hợp hai nhà đồng ý, đương sự không phản đối; kết hôn trao đổi tài sản, ví dụ bố mẹ cô gái đổi cô gái để nhà trai phải trả cho trâu bò; nam nữ yêu nhau và lấy nhau, đọc lời thề trước sự chứng kiến của gia đình.
Kết hôn không chính danh là khi nam nữ không yêu nhau nhưng vẫn đồng ý ở với nhau hoặc ở với nhau mà không tổ chức lễ cưới; lấy nhau do cưỡng ép của nhà trai mặc dù cô gái không đồng ý; cô gái bị cưỡng bức rồi chấp nhận phải lấy người đó làm chồng.
Ngày nay thời đại @, mọi thứ thay đổi nhiều nhưng những loại hình hôn nhân nói trên vẫn còn đâu đó ở các làng quê hẻo lánh tại Ấn Độ. Chính vì thế thi thoảng báo chí có nói về một cô gái cùng bạn trai đi trốn song dân làng không chấp nhận và hành hạ gia đình bố mẹ cô, thậm chí ném đá đến chết, vì đã không giáo dục con theo lễ giáo. Đành rằng thế kỷ 21 rồi, ai cũng nói về tự do nhưng tự do hôn nhân ở Ấn Độ lại rất đặc biệt.
Thế sao không thích ai thì cưới người đó? Một bạn trả lời rằng, hôn nhân với người Hindu là một việc quan trọng nhất cuộc đời. Nếu được bố mẹ sắp xếp cho thì xem như đã được hai phiếu “ thuận” rồi. Nhưng không chỉ cha mẹ sắp đặt là đã xong. Với đạo Hindu, việc trai gái lấy nhau còn có tiếng nói quan trọng của thầy chiêm tinh: xem sao, xem cung số có hợp hay không.
Quan trọng không kém nữa là kết hôn phải cùng đẳng cấp. Xã hội Ấn Độ vốn đã chia ra nhiều đẳng cấp, rồi mỗi đẳng cấp lại chia thành nhiều tập cấp nữa. Ghép đôi được các yếu tố đó quả thực không dễ dàng.
Mới đây thôi, báo chí Ấn Độ đưa tin chính phủ sẽ tặng một khoản tiền 250 ngàn Rupess (tương đương bốn ngàn đô la Mỹ) cho những ai thuộc đẳng cấp cao hơn đủ thương yêu để kết hôn với người thuộc đẳng cấp thấp nhất trong xã hội mà không đặt điều kiện thu nhập tối đa. Bao nhiêu đó đủ thấy hôn nhân cùng đẳng cấp ở Ấn Độ tồn tại mạnh mẽ như thế nào.
Có lẽ vì thế người Ấn ngại yêu-lấy theo sở thích mà cứ để tôn giáo, gia đình và nghi thức quyết định giúp việc về ở với ai.
Lễ cưới cầu kỳ gấp nhiều lần nước ta
Được dự một lễ cưới ở vùng quê thuộc thành phố Varanasi, tôi mới thấy rằng lễ cưới ở VN ta đơn giản hơn nhiều lần bên xứ Ấn. Trước ngày cưới khoảng 1 tuần, cô dâu và chú rể được trang trí lên cơ thể bằng các nét vẽ như hình xăm.
Những nét vẽ này được thực hiện bằng bột của nghệ trộn với một số loại phẩm màu tự nhiên khác. Sau khi vẽ các hoa văn này có thể tồn tại hàng chục ngày mới mờ dần đi. Họa sĩ thực hiện vẽ hoa văn này là những phụ nữ lớn tuổi trong gia đình.
Ngày đón dâu, chú rể đến bằng xe ngựa trắng muốt, trên cổ kết các vòng nguyệt quế bằng tiền giấy các mệnh giá trông rất bắt mắt. Sau khi xuống ngựa, chú rể được bố mẹ vợ mời một ly sữa với mật ong.
Tại sao lại sữa và mật ong? Đơn giản là sữa của Mẹ Thần bò, còn Mật ong giúp cho chú rể biến tất cả những cay đắng cuộc đời trở nên ngọt ngào sau đám cưới.
Ngay sau đó chú rể được bố vợ rửa chân cho sạch sẽ rồi dẫn vào trong một đàn lễ để làm thủ tục tiếp theo. Đàn lễ là một khoảng trống nhỏ, trong sân đền hoặc bên ngoài, có rạp nhỏ trang trí, bên trong để một số dụng cụ hành lễ.
Sau khi chú rể được bố cô gái rửa chân xong sẽ được dẫn vào trong trướng cùng cô dâu. Ông bố trao tay cô con gái cho chàng trai. Giữa đàn lễ có một chiếc vạc hoặc một chiếc mâm lớn đốt lửa thần và anh trai cô dâu bốc một vốc gạo rồi nhỏ dần vào lòng đôi bàn tay cô dâu, cô dâu chú rể lại dâng gạo trước ngọn lửa thần và dốc gạo xuống chiếc chậu đó.
Sau đó là việc buộc dây tơ hồng rồi dắt tay nhau đi bảy vòng quanh đống lửa để cầu cho tình yêu bền chặt.
Theo đạo Hindu, một cặp vợ chồng sau khi chết đi thì linh hồn vẫn nhớ về nhau bảy kiếp mới tan biến. Hôm cô dâu về nhà chồng, gia đình chú rể tổ chức tiệc đãi nhà gái. Nhà gái làm thủ tục ném ba nắm gạo qua vai cô dâu và một vài đồng xu để thể hiện “thôi nhé từ đây con về làm dâu nhà người”.
Còn một vấn đề lớn là của hồi môn, nghĩa là con gái đi lấy chồng phải mang theo nhiều của cải cho nhà chồng. Tôi xin kể vào một dịp khác.
Dưới đây là một số hình tại một đám cưới ở Ấn Độ: