Rủi ro đối với nhà đầu tư trái phiếu có thực sự đáng lo?

(PLO)- Theo chuyên gia, rủi ro đối với nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là có nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau những diễn biến gần đây trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhiều người cho rằng trái phiếu doanh nghiệp có nhiều rủi ro. Tuy nhiên, nhận định về rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings, cho rằng: "Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là có nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được. Hiện nhà đầu tư trái phiếu muốn đáo hạn sớm và nhiều doanh nghiệp cũng chủ động “trả lại” tiền cho nhà đầu tư.

Hoạt động phát hành trái phiếu mới giảm sút trong chín tháng đầu năm 2022 đã làm cho số dư trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành giảm đi đáng kể. Tức là rủi ro đến với hệ thống tài chính cũng cơ bản được kiểm soát mặc dù việc đáo hạn sớm đã tạo ra những xáo trộn trên thị trường trái phiếu, cũng như thị trường cổ phiếu".

Theo số liệu thống kê của VnDirect, trong quý 3 vừa qua, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt mức 60.635 tỉ đồng, giảm tới 71% so với cùng kỳ.

Trong quý cuối cùng của năm nay, VnDirect cho rằng áp lực trái phiếu đáo hạn sẽ gia tăng từ quý này khi tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn đạt mức 58.840 tỉ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó trong chín tháng đầu năm, ước tính có khoảng 142.200 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại.

Theo FiinRatings, số dư trái phiếu doanh nghiệp tính đến ngày 30-9-2022 chỉ còn ở mức hơn 1,3 triệu tỉ đồng (cuối năm 2021 là hơn 1,5 triệu tỉ đồng và chiếm 15% GDP). Trong đó trừ đi số trái phiếu do ngân hàng phát hành hơn 400.000 tỉ đồng thì trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng giảm chỉ còn hơn 920.000 tỉ đồng.

Ông Thuân cho rằng: "Trái phiếu ngân hàng về cơ bản là rủi ro rất thấp. Còn lại với khối doanh nghiệp, trong số 920.000 tỉ đồng này thì dư nợ trái phiếu bất động sản hiện có số lưu hành là 455.000 tỉ đồng. Con số này là lớn nhưng cũng chỉ chiếm 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Hơn nữa, con số 455.000 tỉ đồng thực ra có sự phân hoá về chất lượng tín dụng từ cao cho đến thấp và không phải doanh nghiệp nào cũng có rủi ro cao trong việc sẽ không thực hiện tốt nghĩa vụ nợ".

Ông Thuân dẫn ví dụ, nhìn sang Trung Quốc, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp 8.000 tỉ USD, chiếm tận 44% GDP vào cuối 2021 và tỉ lệ vỡ nợ trái phiếu tại nước này ở thời điểm cuối năm ngoái chỉ là 1,35%.

Với sự can thiệp của cơ quan quản lý, sự chung tay của trái chủ, nhà đầu tư, các định chế trung gian và chính tổ chức phát hành thì phần lớn các trường hợp vỡ nợ trái phiếu tại Trung Quốc đã được tự giải quyết bởi các thành viên thị trường mà không qua thủ tục tòa án hoặc sự can thiệp của cơ quan quản lý.

"Tỉ lệ này chiếm tới 76% số trái phiếu vỡ nợ và điểm tích cực mà các nhà đầu tư Việt Nam có thể tham khảo là trong đó có tới 56% số trái phiếu có vấn đề này được gia hạn tiếp mà tổ chức phát hành không phải thanh toán. Việc gia hạn trái phiếu với một tỷ lệ thanh toán gốc nhất định chỉ chiếm 16%. Như vậy, Trung Quốc vẫn xử lý được các vấn đề phát sinh của trái phiếu doanh nghiệp sau 2 năm bất ổn” - ông Thuân nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm