Kinh tế - tài chính thế giới đã trải qua gần 9 tháng với quá nhiều biến động ảnh hưởng đến các kênh đầu tư. Giá vàng thế giới tăng hơn 20%, chỉ số chứng khoán Mỹ trồi sụt rất mạnh với nhiều phiên biến động tăng giảm trên 600 điểm.
Tại thị trường trong nước, dù kinh tế vĩ mô đón nhận những tín hiệu tốt từ xuất khẩu và đầu tư nhưng cùng lúc đó lại chứng kiến tình trạng khối ngoại bán ròng liên tục. Mới đây, trong Chương trình WeTalk “Đầu tư gì cuối năm 2024?” tổ chức bởi Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam, các chuyên gia đã đưa ra một số nhận định về triển vọng thế giới cũng như tác động đến các kênh đầu tư trong thời gian còn lại của năm 2024.
Bối cảnh thế giới vẫn đang hỗ trợ cho kinh tế Việt Nam
Phân tích về tình hình thế giới, ông Trần Ngọc Báu, nhà sáng lập kiêm CEO Công ty Cổ phần WiGroup, chỉ ra trong khoảng từ 3 đến 4 tháng gần đây, kinh tế toàn cầu đã thể hiện sự suy yếu rõ nét hơn, trên cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt dịch vụ.
Sau một giai đoạn kéo dài thắt chặt chính sách tiền tệ, lạm phát trên toàn cầu đang giảm, thậm chí giảm vượt kỳ vọng của các chuyên gia. Cụ thể trong hai lần công bố gần nhất, lạm phát tại châu Âu và Mỹ đều đang giảm rất nhanh sau giai đoạn gần như đi ngang. Lạm phát tại Mỹ và châu Âu và trên toàn cầu hiện đã có thể coi đã về ngưỡng mục tiêu và nhiều khả năng sẽ không có làn sóng lạm phát tăng mạnh thứ 2.
Từ nửa sau năm 2024, các nền kinh tế lớn trên thế giới có xu thế tăng trưởng chậm lại. Áp lực lạm phát giảm đáng kể và sẽ không còn đè nặng.
Dù vậy, CEO Công ty Cổ phần WiGroup phân tích bối cảnh kinh tế toàn cầu đang hỗ trợ cho Việt Nam rất nhiều. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 6 đến 6,5%, kinh tế Việt Nam quý II đã thực sự tạo bất ngờ nhờ vào sự hỗ trợ từ khối xuất khẩu.
Tăng trưởng kinh tế cả năm nay vẫn đạt mục tiêu. Nếu cách đây 6 tháng, bối cảnh kinh tế toàn cầu tiềm ẩn quá nhiều thách thức với mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam nhưng những biến chuyển trong thời gian gần đây đã theo hướng có lợi cho Việt Nam.
Lạm phát tại Việt Nam từ đầu năm cho đến giữa năm đã có lúc vô cùng căng thẳng, nhưng nhờ yếu tố bên ngoài và cả trong nước mà giờ đây đã hạ nhiệt đáng kể. Cơn bão Yagi căng thẳng vừa qua không khỏi khiến nhiều người vô cùng lo lắng về kịch bản lạm phát tăng quá mạnh.
Tuy nhiên, lịch sử nghiên cứu cho thấy người Việt Nam có khả năng thích ứng, tự cung tự cấp khá tốt sau các cơn bão và tỷ trọng của hàng hóa liên quan đến CPI không phải quá lớn và những khu vực nuôi heo chủ yếu của cả nước không ảnh hưởng quá nặng nề. Chính vì vậy cơn bão Yagi dù có nhấc mặt bằng tiêu dùng lên nhưng chắc chắn chỉ trong ngắn hạn. Từ giờ đến cuối năm, lạm phát sẽ vẫn loanh quanh khoảng 4 đến 4,5%.
Tỷ giá cũng không còn gì phải lo bởi khi mà Ngân hàng Trung ương châu Âu đi đầu trong nhóm nền kinh tế phát triển hạ lãi suất rồi đến Fed khẳng định sẽ tiếp tục hạ lãi suất, tỷ giá đồng Việt Nam đã giảm rất nhanh. Cùng lúc đó Ngân hàng Nhà nước đã xử lý vấn đề tỷ giá một cách nhanh nhạy.
Lý do cần thận trọng với kịch bản kinh tế Mỹ suy thoái
Theo ông Lê Chí Phúc, tổng giám đốc của SGI Capital, nhìn vào lịch sử khoảng mười mấy năm trở lại đây, thị trường thường có biến động mạnh nhất trong bối cảnh có suy thoái kinh tế. Còn trong bối cảnh bình thường, cũng có những năm có những yếu tố mà thị trường giảm từ 5 đến 7,10 hoặc tệ nhất là 15%.
Khi có rủi ro suy thoái kinh tế xảy ra, mức suy giảm của thị trường sẽ không chỉ dừng lại ở mức đó, với thị trường Mỹ khoảng từ 30 đến 60% tùy vào mức độ suy thoái như thế nào. Theo tính toán cho đến hiện tại, mức độ tương quan giữa chỉ số Vn-Index và chỉ số S&P 500 khoảng trên 90%.
Tại sao lại có độ tương quan lớn như vậy? Ông Phúc giải thích lý do của điều này là bởi Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất của thế giới, có nhiều tác động đến thị trường toàn cầu. Thứ hai nữa, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cuối cùng, Mỹ là thị trường tài chính lớn nhất thế giới, khi thị trường tài chính này biến động, các thị trường khác sẽ chẳng thể nào “miễn nhiễm”.
Nhận định về thời gian tới, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ đã tăng đáng kể lên ngưỡng trên 4%. Nhìn từ các dữ liệu lịch sử, mỗi khi thất nghiệp lên ngưỡng trên, rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ tăng lên đáng kể.
Việc thất nghiệp gia tăng sẽ kéo theo một chu kỳ suy giảm kinh tế toàn diện, chính vì vậy việc Fed hạ lãi suất lần này sẽ có thể không mang đến tín hiệu tích cực về kênh đầu tư tài sản như mọi khi mà có thể nó phát tín hiệu không mấy lạc quan về kinh tế Mỹ. Sự thận trọng vì vậy là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên sẽ còn cần phải theo dõi rất nhiều các chỉ số khác mới có thể khẳng định về rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ, tổng Giám Đốc của SGI Capital nhận định.