Vừa qua, TAND tỉnh Bắc Ninh đã xét xử phúc thẩm vụ bà C kiện ngân hàng về tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ, do có kháng cáo của cả nguyên đơn, bị đơn.
Mất hàng chục tỉ vì chứng minh tài chính trong sạch
Theo hồ sơ, bà C trình bày, vào một ngày trong tháng 4-2022, bà đến chi nhánh một ngân hàng mở tài khoản giao dịch mang tên bà… Trong quá trình giao dịch tại quầy, khi được hỏi, bà C đọc cho nhân viên số điện thoại thường dùng của mình. Một lúc sau, nhân viên báo cho bà biết thủ tục mở tài khoản cá nhân đã xong và đọc cho bà biết số tài khoản.
Sau khi làm xong, bà C đã gọi điện, nhắn tin thông báo số tài khoản trên cho người thân, nhờ chuyển vào tài khoản này 15 tỉ để bà chứng minh tài chính trong sạch không liên quan đến hành vi rửa tiền của tội phạm ma túy…
Trong hai ngày liên tiếp kể từ sau ngày mở tài khoản, người thân của bà C đã chuyển tổng cộng 14,66 tỉ vào số tài khoản vừa mở của bà. Tuy nhiên, bà không nhận được điện thoại của ngân hàng hay tin nhắn về biến động số dư vào số điện thoại bà đã cung cấp.
Do đó, bà đến chi nhánh ngân hàng đề nghị nhân viên kiểm tra số dư thì được thông báo số dư là 99.983 đồng, trong khi bà không thực hiện bất cứ giao dịch rút tiền trực tiếp hay gián tiếp nào.
Vì vậy, bà kiện ngân hàng yêu cầu bồi thường 14,66 tỉ. Lý do là do nhân viên ngân hàng có các lỗi sai nghiệp vụ như không giải thích điều khoản, không hướng dẫn tải app, không hướng dẫn cách bảo mật tiền… Ngoài ra, bà cũng cho rằng ngân hàng có nhiều lỗi vi phạm dẫn đến hậu quả bà bị mất số tiền trên.
Phía bị đơn trình bày về quá trình đến mở tài khoản của bà C và cho rằng nhân viên của mình đã tư vấn đầy đủ về việc mở tài khoản; dịch vụ nhận biến động số dư; sử dụng app ngân hàng. Sau khi được tư vấn, bà C chỉ lựa chọn dịch vụ biến động số dư trên app ngân hàng…
Về việc mất số tiền 14,66 tỉ, ngân hàng trích dẫn quy định về trách nhiệm của khách hàng phải tự nhận thức các rủi ro khi sử dụng dịch vụ trên ngân hàng điện tử; trích dẫn văn bản của cơ quan công an liên quan đến tố giác tội phạm của bà C…
Từ đó, bị đơn cho rằng bà C đã bị kẻ gian lừa đảo để đánh cắp quyền truy cập, sử dụng điện thoại thông qua việc cài đặt phần mềm tên “phần mềm bảo mật” để thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền hơn 14,66 tỉ. Do ngân hàng đã thực hiện đầy đủ các hướng dẫn và không có lỗi trong việc mất số tiền 14,66 tỉ nên không chấp nhận yêu cầu của bà C.
Xử sơ thẩm, TAND TP Từ Sơn chấp nhận một phần yêu cầu của bà C, buộc ngân hàng bồi thường cho bà 800 triệu là một phần thiệt hại trong tài khoản của bà mở tại ngân hàng. Sau đó, cả nguyên đơn và bị đơn đều có kháng cáo; VKSND TP Từ Sơn kháng nghị toàn bộ bản án.
Lỗi hoàn toàn của nguyên đơn khi cài “phần mềm bảo mật”
Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bắc Ninh nhận định hình ảnh camera thể hiện rõ bà C có cầm đề nghị mở tài khoản (hợp đồng) lên xem trước khi ký xác nhận. Do đó, tòa khẳng định lời khai của bà C về việc không được đọc hợp đồng trước khi ký là không đúng.
Theo tòa, khi bà C ký xác nhận và ghi rõ vào trang cuối của hợp đồng, đồng nghĩa việc bà đã đọc, hiểu rõ và đồng ý với toàn bộ nội dung của điều khoản, điều kiện về mở tài khoản và sử dụng dịch vụ tài khoản tại ngân hàng. Theo quy định tại Điều 406 BLDS 2015, giao dịch này có hiệu lực pháp luật và có giá trị ràng buộc các bên.
Về sử dụng dịch vụ ngân hàng, phía bị đơn cung cấp cho bà các yếu tố định danh riêng cho khách hàng gồm tên truy cập là số điện thoại của bà; mật khẩu truy cập; mã số bí mật dùng một lần (mã OTP) để kích hoạt và sử dụng app ngân hàng, mã này gửi duy nhất đến số điện thoại bà đã đăng ký.
Tòa dẫn đơn tố giác tội phạm, bà C tố giác hai đối tượng (tự xưng) công tác tại Cục quản lý giao thông đường bộ và Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, có hành vi lừa đảo của bà số tiền hơn 26 tỉ. Các đối tượng này thông báo bà C tham gia giao thông gây tai nạn và liên quan đến đường dây buôn ma túy, rửa tiền; yêu cầu bà mở hai tài khoản ngân hàng và cài đặt phần mềm tên “phần mềm bảo mật” vào điện thoại của bà. Kế đến yêu cầu bà chuyển toàn bộ hơn 26 tỉ vào hai tài khoản ngân hàng mới mở (trong đó có tài khoản mở tại ngân hàng bị đơn) để chứng minh nguồn tiền trong sạch…
Tòa cũng dẫn kết quả điều tra xác định, theo yêu cầu của đối tượng, để chứng minh tài chính trong sạch, bà C đã mua điện thoại mới rồi cài đặt “phần mềm bảo mật” vào điện thoại mới này. Khi nào liên lạc với đối tượng trên thì bà C lắp sim số điện thoại (là số đăng ký mở tài khoản ngân hàng) vào máy mới mua.
Công an đã trưng cầu và có kết luận giám định “phần mềm bảo mật” có chức năng đọc và gửi tin nhắn SMS, nhận và xử lý tin nhắn SMS; đọc và tạo mới lịch sử cuộc gọi, thực hiện và chuyển hướng cuộc gọi; đọc và sửa đổi danh bạ; truy cập vào dữ liệu vị trí của thiết bị.
Theo tòa, sau khi bà C cài đặt “phần mềm bảo mật” vào điện thoại là bà đã mất quyền kiểm soát đối với điện thoại của mình. Thông qua “phần mềm bảo mật”, các đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền 14,66 tỉ trong tài khoản của bà. Tòa xác định lỗi hoàn toàn thuộc về bà C.
Hơn nữa, vấn đề bảo mật trong quá trình sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử được ghi trong điều khoản, điều kiện mở tài khoản và sử dụng tài khoản tại ngân hàng. Theo đó, bà C cũng phải có trách nhiệm phải tự nhận thức được các rủi ro khi sử dụng dịch vụ trên ngân hàng điện tử…
Tòa dẫn quy định tại khoản 4, Điều 585 BLDS 2015 quy định, khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Theo tòa phúc thẩm, cấp sơ thẩm cho rằng ngân hàng có một phần lỗi và buộc ngân hàng chịu một phần trách nhiệm khi bà C bị kẻ gian chiếm đoạt 14,66 tỉ là không có căn cứ.
Từ đó, tòa bác kháng cáo của bà C, chấp nhận kháng cáo của ngân hàng và kháng nghị của VKS, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện ngân hàng đòi bồi thường 14,66 tỉ của bà C.