Khách hàng thả tim, thả like tin nhắn của luật sư có được xem là văn bản đồng ý?

(PLO)- Nếu khách hàng nhắn tin qua Facebook hay Zalo đồng ý thì đó là văn bản; nếu luật sư gửi cho khách hàng nhưng khách hàng chỉ thả tim, thả like thì phải xem xét vào từng trường hợp cụ thể.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (24-4), Liên đoàn Luật sư Việt Nam (VN) phối hợp với Dự án JICA (do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ) tổ chức hội thảo “Đóng góp ý kiến, hoàn thiện cuốn giải thích bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư VN”.

luat-su-VN-ban-chu-tri.JPG
Ban chủ trì hội thảo. Ảnh: YC

Hiểu sao khi khách hàng thả tim, thả like đề nghị của luật sư?

Phát biểu tại hội thảo, luật sư Nguyễn Bảo Trâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) đánh giá rằng cuốn giải thích tuy chỉ mang tính chất tham khảo nhưng nếu ban hành thì rất ý nghĩa cho việc định hướng, hiểu và thực hiện một cách thống nhất về bộ quy tắc.

Bà Trâm góp ý rằng lời nói đầu hơi dài; do đó cần được cô đọng hơn. Cạnh đó, bà Trâm cho biết, Luật Luật sư quy việc tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề phải được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.

"Tuy nhiên, trên thực tế đã có luật sư “kêu oan” khi bị xem xét xử lý về việc lộ thông tin khách hàng khi họ đưa ra tin nhắn, hình ảnh Facebook, Zalo thể hiện họ nhắn cho khách hàng và khách hàng đã like, đã thả tim. Vậy luật sư nhắn tin và khách hàng đã thả tim, thả like… thì có thể xem đây là văn bản đồng ý hay không?" - luật sư Trâm nêu.

Luật sư Nguyễn Hải Nam (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN) thì cho rằng nếu khách hàng nhắn tin qua Facebook hay Zalo đồng ý thì đó là văn bản. Còn nếu luật sư gửi cho khách hàng nhưng khách hàng chỉ thả tim, thả like thì phải xem xét vào từng trường hợp cụ thể.

Luật sư có được giữ giấy tờ của khách hàng?

Tại hội thảo, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) đặt ra nhiều vấn đề để ban soạn thảo xem xét. Đó là trường hợp luật sư tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo; bị can, bị cáo nhận tội nhưng người ký văn bản mời luật sư lại yêu cầu bào chữa theo hướng khác. Vậy khi người ký hợp đồng yêu cầu cung cấp các tài liệu, chứng cứ thì luật sư có phải cung cấp hay không?

luat-su-VN-Đức.jpg
Luật sư Nguyễn Văn Đức (ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC

Về quyền hình ảnh của khách hàng, theo ông Đức, nhiều luật sư sau khi ký hợp đồng hoặc tham gia vụ án hay đăng hình khách hàng lên mạng xã hội. Cạnh đó, có trường hợp trong quá trình làm việc giữa luật sư và khách hàng phát sinh mâu thuẫn, khách hàng không thanh toán tiền cho luật sư, luật sư giữ lại những bản chính giấy tờ như giấy khai sinh, giấy chứng nhận… của khách hàng để làm áp lực yêu cầu khách hàng thanh toán. Vậy những việc làm này của luật sư có vi phạm hay không?

Tiếp thu các ý kiến và phản hồi, luật sư Nguyễn Hải Nam (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN) cho rằng việc giữ giấy tờ của khách hàng được quy định tại quy tắc 12. 2, tức là luật sư không được giữ giấy tờ của khách hàng; trừ trường hợp tài liệu, hồ sơ là đối tượng, kết quả của dịch vụ pháp lý do luật sư thực hiện cho khách hàng. Ví dụ, luật sư ký hợp đồng làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách, như vậy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho khách hàng qua dịch vụ pháp lý của luật sư thì khi khách hàng thanh toán, luật sư sẽ giao giấy chứng nhận.

luật sư VN
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC

Góp ý cho quy tắc 27 về ứng xử tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng thực tế có những luật sư ứng xử thiếu chuẩn mực tại phiên toà.

Ông Hậu nêu ví dụ, một toà án đã gửi văn bản cho đoàn luật sư phản ánh luật sư N là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện đã có những hành động và phát biểu không chuẩn mực. Luật sư N đã phát biểu rằng vụ án hành chính 10 vụ thì hết 9 vụ là toà án bác yêu cầu khởi kiện, không có vụ án hành chính nào người bị kiện đến toà án tham gia phiên đối thoại; luật sư N còn tha thiết khẩn cầu, kêu gọi HĐXX, đại diện VKS hãy dũng cảm lên, đừng hèn nhát, hèn hạ mà bác yêu cầu khởi kiện như vậy.

Phát biểu của luật sư N tại phiên toà thể hiện sự miệt thị, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của những người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng...

Vì vậy, luật sư Hậu đề nghị bổ sung vào quy tắc 27: Luật sư không được làm trái những quy định pháp luật trong quá trình tham gia tố tụng giải quyết vụ việc mà mình đảm nhận cho khách hàng. Luật sư cần phải luôn giữ bình tĩnh, có ứng xử phù hợp có văn hóa; không được dùng lời lẽ, hành động mang tính chất xúc phạm, miệt thị, chỉ trích, quy chụp cá nhân, cơ quan, đơn vị trong quá trình tham gia tố tụng...

Chỉ mang tính định hướng để áp dụng, không phải bắt buộc hay chế tài

Luật sư Đặng Văn Chung (Đoàn Luật sư tỉnh Trà Vinh) cho rằng tên cuốn sách là giải thích bộ quy tắc, việc dùng “giải thích” đã hợp lý hay chưa vì nếu chỉ giải thích thì không bắt buộc tuân theo. Vậy có nên sửa tên gọi mang tính chất buộc áp dụng như chỉ dẫn hay hướng dẫn hay không?

Luật sư Lê Hồng Nguyên (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì băn khoăn hứa thưởng không phải thù lao, không phải chi phí; vậy luật sư có được nhận hay không và nếu được nhận thì được nhận khi nào? Vì có trường hợp luật sư ký hợp đồng tiền hứa thưởng 5 tỉ đồng và yêu cầu lấy trước, hẹn nếu sau này không thực hiện được luật sư sẽ trả lại.

Thông tin lại, luật sư Nguyễn Hải Nam (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN) cho rằng cuốn giải thích này là giải thích chính thức của Liên đoàn và mang tính chất áp dụng định hướng tương đối. Tổ soạn thảo đã dựa trên các quy định, quy tắc và thực tiễn để ban hành trải qua quy trình chặt chẽ như có thẩm định... Tuy nhiên, nó vẫn mang tính chất chuyên gia, mang tính chất định hướng nên cơ bản là định hướng để áp dụng chứ không phải bắt buộc hay chế tài xử lý.

Về hứa thưởng, theo luật sư Nam, bộ quy tắc không cấm hứa thưởng chỉ cấm cam kết kết quả với khách hàng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

1 vụ án phá sản có khi kéo dài 10 năm

1 vụ án phá sản có khi kéo dài 10 năm

(PLO)- Các đại biểu đề xuất lập thêm các tòa phá sản, tòa sở hữu trí tuệ trực thuộc tòa án cấp khu vực, bởi để giải quyết một vụ án phá sản, tổ thẩm phán thụ lý phải theo dõi toàn bộ quá trình thực hiện, có thể 5-7 năm, có khi tới 10 năm mới kết thúc.