Rung nhĩ - rối loạn nhịp tim tăng nguy cơ đột quỵ

(PLO)- Người bệnh rung nhĩ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần so với người không bị rung nhĩ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tôi phát hiện bị rung nhĩ cách đây một năm. Nhiều người bảo bị rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ, có đúng không thưa bác sĩ? (Nguyễn Văn Minh, 48 tuổi, ngụ Tiền Giang).

Trả lời

Rung nhĩ là một rối loạn nhịp tim khiến nhịp tim nhanh và không đều, triệu chứng bao gồm đánh trống ngực, hay mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, khó thở, ngất xỉu.

Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của rung nhĩ chính là đột quỵ. Trong điều kiện thuận lợi, máu di chuyển trong mạch máu ở trạng thái lỏng. Tuy nhiên khi xảy ra bất thường, máu bị ứ đọng ở tuần hoàn sẽ vón cục lại, hình thành nên huyết khối.

Trong trường hợp rung nhĩ, tần số của nhĩ đập khoảng 300-600 lần/phút. Điều này góp phần hình thành nên cục máu đông trong tim. Người bệnh và bác sĩ (BS) rất khó phát hiện ra cục máu đông vì chúng chưa có bất kỳ biểu hiện nào về sức khoẻ. Chỉ khi tiến hành siêu âm tim, BS mới quan sát được sự hiện diện của cục máu đông nếu chúng có kích thước đủ lớn.

Vì một lý do nào đó, một ngày cục máu đông không còn ở vị trí cũ mà bong tróc trôi ra bên ngoài hệ tuần hoàn gây tắc mạch máu, đặc biệt là mạch máu não. Khi đó, người bệnh sẽ gặp phải các khiếm khuyết về thần kinh do tế bào não bị thiếu máu nuôi. Đó chính là mối quan hệ nhân - quả giữa rung nhĩ và đột quỵ.

rung nhĩ - 1
Bác sĩ tư vấn điều trị cho người bệnh rung nhĩ. Ảnh: BVCC

Người bệnh rung nhĩ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần so với người không bị rung nhĩ. Đột quỵ do rung nhĩ có tỉ lệ tử vong cao, để lại nhiều di chứng nghiêm trọng nên việc dự phòng đột quỵ ở người bệnh rung nhĩ là vấn đề cấp thiết và cần được quan tâm.

Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay giúp người bệnh rung nhĩ phòng ngừa tốt nguy cơ đột quỵ chính là sử dụng các loại thuốc kháng đông. Đây là loại thuốc làm loãng máu với mục đích ngăn cản sự hình thành cục máu đông bất thường trong cơ thể. Đối với người bệnh rung nhĩ, BS sẽ ưu tiên chọn thuốc kháng đông đường uống để thuận tiện trong điều trị.

Hiệu quả điều trị rung nhĩ chỉ đạt được khi người bệnh uống thuốc đầy đủ, đúng liều, tuân thủ đúng chỉ định của BS và duy trì liên tục mà không được tự ý ngưng thuốc. Tuy nhiên thực tế hiện nay có nhiều người bệnh vì lý do quên, bận rộn nên không uống đúng, đủ thuốc theo chỉ định. Điều này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

TS-BS Bùi Thế Dũng, Trưởng khoa Nội Tim mạch BV Đại học Y dược TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm