Ngày 22-5, chúng tôi tiếp tục chứng kiến rừng trên đảo Phú Quốc tiếp tục bị chặt phá công khai. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề thì cơ quan quản lý rừng chẳng ai nhận chuyện phá rừng xảy ra trong vùng quản lý của mình.
Công khai phá rừng
Tại một cánh rừng thuộc ấp Lê Bát, xã Cửa Cạn (Phú Quốc, Kiên Giang), người dân vẫn hì hục chặt hạ những cây rừng còn xanh mướt. Nhiều gốc tràm, giá, rai… vừa bị chặt hạ còn dính lủng lẳng thân trên gốc.
Tại đây, giáp ranh đất của ông Nguyễn Văn Thể là một cánh rừng đã bị chặt phá. Trên nền đất san phẳng là một số cây dừa non, cây xà cừ, đào… “Người ta trồng cây lên đất rừng sau khi phá để chứng tỏ thành quả lao động nhằm nhận tiền đền bù chứ thực chất đó là đất rừng vùng đệm, thuộc sự quản lý của Vườn quốc gia Phú Quốc” - một người dân ở xã Cửa Cạn nói.
Ông Trang Cảnh Lìm, nguyên Trưởng ấp 3, xã Cửa Cạn, đang thả bò nơi đây, kể: “Khu đất này có quá nhiều người vào chặt phá. Ngày trước, khi còn làm trưởng ấp, chính tay tui đo đất và nó là đất rừng của vườn quốc gia. Vậy mà ai vô chặt cây rừng cũng được”.
Khu rừng khoảng 10 ha ở ấp 2, xã Cửa Cạn bị san bằng nhưng chẳng cơ quan nào tìm hiểu xem nó là đất rừng hay đất của dân. Ảnh: V.SƠN
Theo nhiều người dân, khu rừng đã bị chặt phá tan nát thuộc khu quy hoạch khu dân cư xã Cửa Cạn khoảng 70 ha. Dự án này chưa có động tĩnh gì ngoài chuyện cắm lên đó bảng công bố quy hoạch.
Chiều 22-5, quay lại cánh rừng đã bị phá hạ vẫn thấy người ta phá rừng: hai thanh niên thản nhiên chặt hạ cây rừng. Thấy chúng tôi, hai người ngừng tay, nói: “Đốn tràm rừng cực quá. Càng vào sâu càng gặp nhiều cây rừng có gai. Ngày mai chúng tôi kêu thêm hai người nữa vào chặt. Chúng tôi chặt cây rừng với giá 300.000 đồng/công. Tui đâu biết đất đó là của ai, có người mướn là tui chặt”.
Lân la, anh T. cho biết chính là người thuê hai thanh niên chặt cây. “Em nào biết luật lệ gì. Thấy người ta phá được thì mình cũng tranh thủ. Khi nào dự án làm tới mình sẽ kiếm tiền bồi thường. Khu rừng đã bị chặt hạ kia nghe nói của ông chủ tịch và nhiều người khác. Hình như đất này là của vườn quốc gia…” - anh T. nói.
Rừng vô chủ?
Tình trạng phá rừng ở đảo Phú Quốc sôi động đến nỗi nhiều người dân bức xúc đứng ra ghi hình và làm đơn tố cáo nhưng chưa thấy ai xử lý. Ông Đặng Văn Tuân, một người dân nơi đây, nói: “Khu rừng khoảng 4.000 m2 trị giá gần 2 tỉ đồng ở ấp 3 có nguồn gốc là đất rừng Vườn quốc gia Phú Quốc. Nó đã bị chặt phá, san lấp, trồng cây để hợp thức hóa. Khi phát hiện người dân đã dùng máy chụp ảnh ghi lại hiện trường và xe đang vận chuyển hàng chục mét khối gỗ ra khỏi rừng. Vụ việc này kiểm lâm có biết nhưng không thấy ai xử lý”.
Chúng tôi sang cánh rừng khác ở ấp 2, xã Cửa Cạn. Từ Khu di tích đền thờ cụ Nguyễn Trung Trực, chúng tôi tiến thẳng vào rừng chừng 1 km đã thấy một khu rừng rộng chừng 10 ha bị san bằng. “Phá rừng ở Phú Quốc, đặc biệt là xã Cửa Cạn nhiều không kể xiết. Theo sơ đồ địa chính thì khu rừng bị chặt phá hoang tàn tại ấp 2 này là đất rừng phòng hộ. Bằng chứng còn nằm trơ đó, những cây tràm ngù, tràm nước bị đốn hạ còn ngổn ngang kia kìa” - ông Tuân chỉ tay vào đám rừng bị phạt trơ gốc, nói.
Trao đổi về khu rừng khoảng 10 ha bị phá tại khu vực ấp 2, xã Cửa Cạn, ông Nguyễn Trung, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc, nói: “Đất rừng phòng hộ ở đó rất ít. Có thể khu đất đó là đất của dân. Nếu phá rừng phòng hộ, chúng tôi đã xử lý rồi”.
Ông Vũ Mạnh Khiêm, Trưởng ấp 2, xã Cửa Cạn, cũng hàng hai: “Khu đất bị chặt cây trống trải chắc là của dân chưa có giấy đỏ. Xã hay của kiểm lâm quản lý tui cũng không rõ lắm”.
Ông Phạm Quang Bình, Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc, “triết lý” hơn khi chúng tôi cho xem hình ảnh phá rừng: “Nếu quản lý rừng mà không có phá rừng thì dẹp lực lượng kiểm lâm chứ để làm gì! Trong đất vườn quốc gia vẫn có đất dân có sổ đỏ. Xem hình ảnh làm sao chúng tôi biết được là nó có thuộc vườn quản lý hay không. Ở đâu cũng núi với rừng. Mấy anh có địa chỉ rõ ràng, chúng tôi mới tìm hiểu được” - ông Bình nói.
VĨNH SƠN