Theo thông tin từ BV Việt Đức (Hà Nội), tính đến ngày nghỉ lễ cuối cùng (1-5) số bệnh nhân bị tai nạn giao thông chuyển đến BV Việt Đức tăng vọt so với bình thường.
Cụ thể, ThS-BS Ninh Việt Khải, Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng BV Việt Đức, cho biết ngày 28-4, BV tiếp nhận 39 bệnh nhân tai nạn giao thông, tăng nhẹ so với bình thường thì đến 29-4, số ca TNGT nhập viện cấp cứu tăng lên tới 69 trường hợp, 4 ca nặng xin về. Đến ngày 30-4 cũng có tới 64 ca TNGT vào cấp cứu, 4 ca nặng xin về, 1 ca tử vong tại BV.
Do bệnh nhân nặng tăng lên bốn ngày vừa qua, tính từ ngày 27 đến hết 30-4, các phòng mổ cấp cứu của BV Việt Đức luôn phải hoạt động hết công suất khi ngày nào cũng có tối thiểu 30 ca phải mổ cấp cứu. Trong số này, rất nhiều ca bị đa chấn thương, chấn thương sọ não được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên.
Điều đáng nói là nhiều bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu cao, tức là sau khi uống rượu xong vẫn tham gia giao thông, làm cho mức độ tổn thương thêm nặng và gây khó khăn cho bác sĩ điều trị.
Theo BS Ninh Việt Khải, đa số các vụ tai nạn giao thông thường liên quan đến việc không chấp hành luật giao thông, đặc biệt số bệnh nhân vào viện có mùi rượu, bia, nồng độ cồn trong máu cao cũng tăng đáng kể trong số những bệnh nhân ở khoa cấp cứu.
“Bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông tại BV Việt Đức chủ yếu bị đa chấn thương, phối hợp nhiều tạng bị tổn thương, chiếm tới 80% số bệnh nhân cần cấp cứu tại BV Việt Đức. So với những năm trước thì số ca tai nạn giao thông nặng nhiều hơn. Đa phần tai nạn giao thông thường liên quan đến việc không chấp hành luật giao thông, đặc biệt số bệnh nhân vào viện có mùi rượu, bia, nồng độ cồn trong máu cao cũng tăng lên đáng kể trong số những bệnh nhân ở khoa cấp cứu” - BS Khải cho biết.
Cũng theo BS Khải, khi cấp cứu những bệnh nhân tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu cao là một khó khăn lớn đối với y, bác sĩ. Bởi lẽ bệnh nhân thường bị kích thích, vật vã, giống triệu chứng chấn thương sọ não nhưng lại không hợp tác với bác sĩ để đánh giá mức độ tổn thương. Cùng một mức độ thương tổn nhưng với bệnh nhân uống rượu bia thì việc hồi sức cấp cứu trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội về công tác y tế dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đã tiếp nhận tổng số 32.113 lượt khám bệnh, trong đó có 326 ca tai nạn giao thông; 86 ca tai nạn lao động. Tại Hà Nội, trong bốn ngày nghỉ lễ (từ ngày 29-4 đến 1-5), trên địa bàn TP ghi nhận ba trường hợp ngộ độc rượu; số ca tai nạn giao thông là 326 trường hợp.