Rượu bia: Uống thế nào để khi lái xe không bị phạt?

 Mới đây, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra tại ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) làm nhiều người thương vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định do tài xế nữ uống rượu bia vượt quá nồng độ cồn cho phép và điều khiển phương tiện ngủ gục.

Theo các chuyên gia, rượu bia là thức uống có từ ngàn xưa. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu uống bao nhiêu là đủ để bảo vệ sức khỏe.

Theo BS Võ Hồng Minh Công, Trưởng khoa Nội tiêu hóa BV Nhân dân Gia định, rượu bia là chất kích thích, khi uống vào 20% được hấp thụ ở dạ dày và 80% hấp thụ ở ruột non. Sự hấp thụ này sẽ tác động lên não, làm các phản ứng của não trở nên chậm chạp không kiểm soát được hành vi, đi loạng choạng, gây buồn ngủ, không làm chủ được bản thân, dễ dẫn đến sai sót.

“Nhiều người cho rằng uống rượu bia vào dễ ngủ nhưng thực tế sẽ không có giấc ngủ ngon mà lâu dần bị rối loạn giấc ngủ dễ ảnh hưởng tâm lý tâm thần. Người nghiện rượu bia lâu ngày có khả năng bị teo não, uống rượu nhiều dẫn đến ngộ độc rượu, những người nghiện rượu sẽ lệ thuộc rượu, nếu không có rượu tay chân run miệng nói lắp, chậm chạp. Chỉ cần hai, ba ngày không uống sẽ có hội chứng cai rượu, loạn thần. Ngoài ra, rượu bia còn ảnh hưởng hệ thống thần kinh ngoại biên, viêm thần kinh ngoại biên làm tê tay, tê chân như kiến bò, teo cơ” - BS Công khuyến cáo.

Do đó, người làm công việc nặng nhọc nguy hiểm, đặc biệt là điều khiển các phương tiện lưu thông không nên uống rượu bia.

Không phải ai cũng hiểu uống rượu bia sao cho có lợi cho sức khỏe. Ảnh: Internet

Ngoài tác động lên não, rượu bia còn có rất nhiều tác hại ảnh hưởng đến tim mạch, dạ dày, gan, tụy... Tại khoa Nội tiêu hóa BV Nhân dân Gia Định, BS Công cho biết có nhiều người nhập viện điều trị xuất huyết tiêu hoá do viêm loét dạ dày, vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, viêm gan do rượu, gan nhiễm mỡ, xơ gan cổ trướng do rượu bia.

Đối với tim, biểu hiện rõ nhất là người uống rượu bia da tái đi, đó là tác động của rượu bia làm giãn mạch khiến huyết áp tụt hoặc rượu bia cũng có thể làm cho nhịp tim nhanh hơn khiến tăng huyết áp.

Tiếp theo là ruột non, ruột già, rượu bia cũng gây ảnh hưởng viêm loét ruột non ruột già, biểu hiện là tiêu chảy đi cầu phân có đàm máu, biểu hiện đầu tiên là rối loạn hệ thống vi khuẩn đường ruột gây tiêu chảy, nếu ngưng uống thì hai, ba ngày ruột sẽ hồi phục, nếu tiếp tục uống rượu bia kéo dài sẽ làm hệ thống vi khuẩn đường ruột mất cân bằng gây tiêu chảy kéo dài. Rượu bia sẽ gây viêm loét đại trực tràng.

Ngoài ra, nồng độ cồn trong rượu bia còn làm tăng men gan gây viêm gan, xơ gan và ung thư gan, đặc biệt người nhiễm viêm gan B, C thì rượu bia là hai yếu tố thúc đẩy bệnh càng nặng.

Người Việt Nam đang có mức tiêu thụ rượu bia kỷ lục. Ảnh: Internet

Cũng theo BS Công, mỗi người có một ngưỡng đáp ứng với rượu bia khác nhau. “Điều này lý giải có người uống một ly đã say, có người uống hoài không thấy say. Nam nữ cơ thể sinh lý giống nhau nhưng nữ thường ngưỡng say thấp hơn. Tuy nhiên, không có biểu hiện say vẫn bị ngộ độc rượu bia do uống vượt quá ngưỡng và chịu những tác hại đã kể trên” - BS Công lưu ý.

Theo nhiều nghiên cứu dựa trên nồng độ cồn tiêu chuẩn, nếu uống đúng liều chuẩn thì rượu bia vẫn có lợi cho sức khỏe, đặc biệt hệ tim mạch. Mức chuẩn cho rượu là 50 ml rượu mạnh và 150 ml rượu vang mỗi ngày, đối với bia là 300 ml một ngày.

Theo BS CK2 Huỳnh Thanh Hiển, BV Tâm thần TP.HCM, Nghị định 46/2016/NĐ-CP nghiêm cấm uống rượu khi điều khiển ô tô, riêng người điều khiển xe máy sẽ bị xử phạt khi nồng độ vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg/lít khí thở và mức phạt sẽ tăng dần theo nồng độ rượu.

Dựa trên tính toán 1 đơn vị rượu tương đương 10 ml rượu nguyên chất hay 25 ml rượu mạnh 40 độ hoặc 200 ml bia 5 độ cồn thì khi uống 2 đơn vị rượu trở lên, nồng độ sẽ vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc 0,4 mg/lít khí thở. Cũng theo BS Hiển, luật pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới bắt đầu xử phạt từ nồng độ này nên các Việt kiều thường truyền miệng nhau là chỉ uống dưới 1,5 lon bia để không bị xử phạt nếu cảnh sát test nồng độ rượu. Lượng rượu uống vào và nồng độ rượu khi test còn phụ thuộc vào tình trạng chức năng gan, thận và thời gian từ lúc uống đến lúc bị kiểm tra. Người suy giảm chức năng gan, thận thì nồng độ sẽ cao hơn và thời gian sẽ dài hơn.

Tuy nhiên, do đặc thù của giao thông tại Việt Nam với mật độ lưu thông dày đặc thì quy định nồng độ rượu của nước ta đã “hạ chuẩn” bằng 1/2 của thế giới và nghiêm cấm uống rượu khi điều khiển ô tô, hay chỉ cần dương tính đã bị xử phạt là hoàn toàn đúng đắn.

Do rượu làm chậm phản ứng của não trước các tình huống cần đưa ra quyết định và phản ứng tức thời (phản xạ bị chậm) nên người uống rượu điều khiển xe rất dễ gây ra tai nạn giao thông. Giả sử một ô tô đang lưu thông với tốc độ 50 km/giờ và chỉ cần phản ứng chậm một giây (chậm rời chân ga để đạp chân thắng trong một giây) thì xe đã trôi về phía trước được 13,8 m (50.000 m/3.600 giây). Đó chính là sự nguy hiểm khi lái xe mà có một lượng cồn trong cơ thể.

Các ảnh hưởng cấp của rượu lên não bộ

- 10-50 mg/100 ml máu # 0,05-0,25 mg/lít khí thở: Suy giảm nhẹ khả năng phán xét, phấn khích và tăng hoạt động, vài vùng não bộ bị ức chế. 

- 60-100 mg/100 ml máu # 0,3-0,5 mg/lít khí thở: Vỏ não bị ức chế lan tỏa, có cảm giác buồn ngủ, giảm sự tập trung và chú ý, phản xạ chậm và kém khả năng phối hợp các động tác, giảm khả năng phán xét và đưa ra quyết định hợp lý, trương lực cơ giảm. Ở nồng độ này việc điều khiển xe rất dễ gây tai nạn và vì thế hầu hết các quốc gia đều cấm ở nồng độ này.

- 100-150 mg/100 ml máu # 0,5-0,75 mg/lít khí thở: Gần như toàn bộ vỏ não bị ức chế, buồn ngủ, phản ứng trước các tình huống chậm một cách đáng kể, thất điều động tác, nhức đầu hoặc choáng váng, suy giảm chức năng thị giác như nhìn mờ hoặc nhìn đôi, trương lực cơ giảm mạnh.

- 160-290 mg/100 ml máu # 0,8-1,45 mg/lít khí thở: Suy giảm cảm giác nghiêm trọng, bao gồm giảm nhận thức về các kích thích bên ngoài. Suy giảm vận động nghiêm trọng, đi đứng loạng choạng hoặc té ngã.

- Khi nồng độ đạt trên 400 mg/100 ml máu # 2 mg/lít khí thở: Hôn mê, suy hô hấp, có thể ngưng thở và tử vong.

Theo BS HUỲNH THANH HIỂN - Tài liệu tham khảo: Drinking and driving, World  Health Organization, Global Road Safety Partnership 2007 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới