Chiếc BMW của một phụ nữ say đã càn qua để lại thảm cảnh một người chết và hàng loạt người bị thương...
Đêm trước, tôi đi làm về muộn, ngang ngã tư Hàng Xanh, thấy dáng các anh cảnh sát cơ động và CSGT đang lập chốt kiểm tra nồng độ cồn. Tôi thấy khá an tâm. Thế mà về đến nhà, chỉ mươi phút sau đã thấy tin chiếc BMW của một phụ nữ say đã càn qua ngay trước mặt các anh cảnh sát ấy, để lại thảm cảnh, để lại mối thương tâm. Cú lướt ấy chỉ xảy ra chừng sau vài ba lượt đèn đỏ kể từ lúc tôi dừng nơi ấy. Nếu tôi đi chậm một chút, hay nếu người phụ nữ lái xe ngật ngưỡng rời cuộc rượu sớm hơn một chút, rất có thể tôi đã nằm lại ở giao lộ đó. Không phải các nạn nhân ấy xui rủi, chỉ là tôi đã thoát một cách tình cờ, nhiều người khác cũng đã thoát một cách tình cờ khỏi những tai nạn như vậy.
Hằng đêm, trong thành phố lớn nhất của một quốc gia mạnh về tiêu thụ thức uống có cồn, có bao nhiêu người lên xe rồi siết tay ga hoặc nhấn chân ga trong tình trạng không còn tỉnh táo? Thành phố có thể không ngủ nhưng người say có thể ríu mắt ngay trên tay lái của mình. Đây không phải là lần đầu và chắc chắn chưa phải là lần cuối những sự vụ như thế này diễn ra. Chỉ mới đầu năm âm lịch đây thôi, hàng loạt xe dừng đèn đỏ ở một vòng xoay tại Bình Dương cũng bị một xe khách húc văng. Vào tháng 6-2018, một xe khách khác tông hàng loạt người ở Bến Cát, Bình Dương…
Có thể xa hơn, TNGT có lý do từ việc nhà chức trách kiểm tra độ an toàn của phương tiện còn lỏng lẻo, người thực thi pháp luật kiểm tra, xử phạt chưa nghiêm, thậm chí xử tù còn quá nhẹ. Có thể gần hơn, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, phương tiện công cộng chưa phát huy, vẫn còn những điểm đen, những con đường hẹp dễ xảy ra va chạm… Nhưng có lẽ nỗi lo lớn nhất của chúng ta không phải ở phương tiện hay hạ tầng mà chính là những người khác. Những người khác bao gồm cả chúng ta, những người điều khiển các phương tiện.
Có khi một ly vui, có khi cơn cao hứng vượt tốc độ, có khi vì vội vã…, chúng ta cho phép mình đi trên luật, cho phép và tin tưởng rằng mình sẽ không là kẻ thủ ác. Chúng ta có biết đâu khi thêm một ly nữa trước khi lái xe chúng ta đã uống cạn một gia đình người khác, cao hứng thêm chút chúng ta gánh trọn nỗi buồn của bao gia đình, vội vàng thêm vài giây chúng ta đã làm đứng lại mãi mãi một hay nhiều đời người.
Trong số các nạn nhân của vụ tai nạn ở Hàng Xanh hôm kia, một người cha đã bị đa chấn thương bất tỉnh. Sau một đêm tỉnh dậy, anh tìm kiếm ngay người mẹ của con anh. Người mẹ trẻ đó đã vĩnh viễn ra đi, từ dưới bánh chiếc xe BMW ấy. Một ly nữa thôi đã gây nên sự ly tán đau lòng!
Một nền giao thông an toàn có lẽ phải bắt đầu từ lòng tự trọng. Lòng tự trọng sẽ ngăn ta không biến thành những quái xế, những “xe điên”, những thứ không phải là một con người. Lòng tự trọng giúp ta biết tìm một phương tiện di chuyển phù hợp khi có hơi men, giúp ta không làm trái luật giao thông gây nguy hiểm cho người khác, giúp ta không đòi hỏi sự ưu tiên bằng cách đè nén cả quyền di chuyển của người khác.
Một nền giao thông từ những người có lòng tự trọng ắt sẽ giảm thiểu tối đa việc một người uống cạn cả một gia đình của người khác! Sẽ không còn chuyện mỗi lần về đến nhà phải tạ ơn trời đất như vừa thoát khỏi một cuộc chiến sống còn. Sẽ không còn những ám ảnh đến trầm cảm của cư dân đô thị…
Nhưng làm sao để có một nền giao thông tự trọng? Nếu thiết chế pháp luật không đủ sức làm việc ấy, nếu nền giáo dục chưa tạo dựng được nền móng ấy, có lẽ mọi hy vọng phải dồn vào từng cá nhân chúng ta: Cố gắng biết tự trọng. Một hy vọng rất mông lung nhưng cũng đành.