Rút kinh nghiệm 3 vụ án sau khi viện trưởng Cấp cao kháng nghị

VKS Cấp cao tại Đà Nẵng vừa tiến hành trao đổi, rút kinh nghiệm với đơn vị các cấp về ba vụ án hình sự bị hủy án, điều tra lại do bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Vụ án thứ nhất là năm 2016, Nguyễn Đình Quân bàn bạc với 4 đối tượng khác làm giả giấy chứng nhận đăng ký 4 ô tô. Thực tế, những xe ô tô đó là do Quân thuê của người khác. Sau đó nhóm Quân đem giấy tờ giả đi cầm cố, lấy tiền chia nhau. Cơ quan tố tụng xác định các bị cáo chiếm đoạt 4 ô tô có tổng giá trị gần 1,6 tỉ đồng.

Năm 2018 xảy ra vụ án tương tự. Cụ thể, Phan Hồng Chuẩn thuê 3 ô tô với mục đích sử dụng làm phương tiện đi giới thiệu sản phẩm phân bón. Sau đó Chuẩn nảy sinh ý định chiếm đoạt, thuê người làm giả giấy tờ xe, hợp đồng mua bán xe có chứng thực. Có giấy tờ giả, Chuẩn đem đi cầm cố chiếm đoạt 650 triệu đồng.

Cả hai vụ án trên, các cơ quan tố tụng sơ thẩm đều xác định các bị cáo phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Đến vụ án của Lê Thị Hòa trong ba năm liên tục quảng cáo có nhiều mối quan hệ xã hội, có thể tác động xin việc làm, xin chuyển công tác cũng như xin học tại các trường công an nhân dân. Nhiều gia đình tin tưởng, giao tiền nhờ Hòa lo giúp. Trong quá trình lừa đảo, Hòa sử dụng nhiều giấy tờ giả, gồm 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 2 CMND công an. Hòa mang những giấy tờ trên đi chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp vay tiền. Theo kết quả điều tra, hai ngân hàng và 37 cá nhân đã bị thiệt hại gần 6,5 tỉ đồng. Sau đó, Hoà bị xét xử sơ thẩm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, ba vụ án trên đều bị viện trưởng VKS Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Và các kháng nghị này được cấp phúc thẩm chấp thuận tuyên huỷ án để điều tra, xét xử lại.

Theo cấp phúc thẩm, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm phạt các bị cáo về tội lừa và lạm dụng đều có căn cứ. Nhưng không xem xét hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là bỏ lọt tội phạm. 

Hành vi các bị cáo gây ra xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, tội phạm có hình phạt quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 199 (Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015). Do đó hành vi của các bị cáo vừa là phương tiện, thủ đoạn phạm tội nhưng còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm độc lập. Lẽ ra cần truy cứu thêm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức đối với các bị cáo. Như vậy, cấp sơ thẩm chưa xem xét là bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Từ đó, VKS Cấp cao tại Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị cùng rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng trong việc giải quyết án hình sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm